Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Đội văn nghệ thôn, bản được tập hợp bởi những người có chung đam mê các loại hình ca, múa, nhạc truyền thống. Đây là những hạt nhân văn nghệ nòng cốt, am hiểu bản sắc văn hóa, bằng đam mê và khả năng sáng tạo của mình, họ đã đưa lời ca, tiếng hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới tới quần chúng Nhân dân, tạo không khí phấn khởi, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao đời sống tinh thần và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Còn nhớ Ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III, tại Tp. Điện Biên Phủ (Điện Biên) tháng 11/2022, chúng tôi đã được trải nghiệm một không gian văn hóa dân tộc Thái, vô cùng độc đáo ngay tại Quảng trường 7-5 của Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa Thái, tỉnh Điện Biên.
Ông Tòng Trung Tiến - thành viên CLB tham gia ngày hội hôm đó đã cho hay, để tạo điểm nhấn cho Ngày hội, tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ lập một nhà sàn truyền thống dân tộc Thái tại vị trí đẹp nhất, để các hội viên CLB văn hóa Thái tỉnh Điện Biên sinh hoạt, giao lưu văn hóa với các đội văn nghệ khác, các dân tộc khác trong tỉnh, với du khách đến từ các tỉnh thành khác, đặc biệt là các đại biểu nước bạn Lào đến tham dự Ngày hội.
Trong không khí vui nhộn, không phân biệt gái trai, lứa tuổi, dân tộc, người Việt hay người Lào, tất cả đều hòa vào nhau, nắm tay nhau say vui những những bài ca, tiếng hát, trong những vòng Xòe bất tận.
Ngoài CLB Văn hóa Thái, tại từng các thôn, bản đều ở Điện Biên đều đã thành lập những đội văn nghệ truyền thống. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.038 đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, bản, tổ dân phố.
Tương tự, hiện nay tại hầu khắp các thôn, xã của người Sán Dìu sinh sống đều thành lập các CLB dân ca. Theo thống kê sơ bộ tại 5 tỉnh tập trung người Sán Dìu sinh sống gồm Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh đã thành lập hơn 70 CLB dân ca. Đại đa số các CLB đều thành lập tự phát bởi những người yêu và đam mê dân ca của dân tộc.
Có thể thấy, tại các địa phương vùng DTTS, các đội văn nghệ thôn bản là tập hợp các thành viên có cùng chung đam mê, sở thích, là nơi tụ hội các hạt nhân văn nghệ, các nghệ nhân nắm giữ nhiều di sản văn hóa dân tộc, bên cạnh việc tập luyện biểu diễn những tiết mục văn nghệ hiện đại, các đội văn nghệ còn đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, đáp ứng quyền được hoạt động, được sáng tạo, được hưởng thụ văn hóa tinh thần của quần chúng Nhân dân.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân
Nếu ai đã từng đến với Mai Châu (Hòa Bình), chắc hẳn sẽ không quên được những đội văn nghệ mà hạt nhân chính là các bác, các ông bà biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch. Đại đa số các đội văn nghệ tại đây có từ 7 đến 12 thành viên, họ tự mua sắm loa, mic và các dụng cụ biểu diễn. Khi có khách du lịch, các đội văn nghệ sẽ biểu diễn miễn phí các tiết mục đậm chất văn hóa dân tộc Thái như: múa Keng Loóng, nhảy sạp…
Bà Hà Thị Ích (80 tuổi), thành viên đội văn nghệ bản Nhót chia sẻ, nay tuổi đã cao không lao động nặng được nên bà và nhiều người cao tuổi khác tại bản cũng muốn làm một cái gì đó, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tạo dấu ấn cho khách du lịch, do đó, đội văn nghệ bản Nhót đã ra đời. Trong đội văn nghệ của bà duy trì từ 8 - 12 thành viên, tự mua loa đài, thường xuyên truyền dạy các điệu múa của dân tộc cho lớp trẻ và biểu diễn khi có khách du lịch. Để thuận tiện, các buổi sinh hoạt đội sẽ tập trung tại sân gia đình nhà bà.
Theo bà Ích, hoạt động biểu diễn đã thu hút đông đảo du khách đến tham gia và trải nghiệm, cũng nhờ đó mà các sản phẩm lưu niệm, nông sản của gia đình nhà bà và người dân trong bản cùng bán chạy hơn, hiệu quả hơn.
Chị Nguyễn Việt Hà, du khách đến từ Hà Nội, khi trải nghiệm các tiết mục biểu diễn của đội văn nghệ bản Nhót, thích thú kể, đến Mai Châu, không những chị được tham quan cảnh sắc thiên nhiên rất đẹp, mà còn được trải nghiệm tận mắt chiêm ngưỡng kiến trúc nhà sàn truyền thống, những nét đẹp trong trang phục mà còn được hiểu hơn về văn hóa dân tộc Thái qua những tiết mục văn nghệ đặc sắc, vui nhộn do các đội văn nghệ thôn, bản biểu diễn miễn phí.
Ngoài ra, tại Mai Châu và nhiều điểm du lịch cộng đồng khác, khi các đoàn khách du lịch có nhu cầu thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân tộc, các đội văn nghệ tại thôn bản sẽ đến tận các Homestay biểu diễn, phục vụ du khách với một mức phí theo quy định của địa phương.
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho thấy, đến nay toàn tỉnh hiện còn 1.482 đội văn nghệ quần chúng cơ sở ở thôn, xóm, tổ dân phố. Các hoạt động văn nghệ quần chúng ở cơ sở diễn ra sôi nổi, tổ chức thường xuyên hằng năm vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương, đất nước.
Ông Lưu Huy Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, những năm qua các đội văn nghệ quần chúng cơ sở luôn bám sát định hướng hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt, tại các điểm du lịch cộng đồng, các đội văn nghệ quần chúng thôn, bản còn góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Hòa Bình tới khách du lịch.
Có thể thấy rằng, hiện nay tại hầu khắp các điểm du lịch, đặc biệt là các điểm du lịch cộng đồng vùng DTTS, đội văn nghệ quần chúng thôn bản phát triển rất nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Qua đó tạo sân chơi lành mạnh cho cộng đồng các dân tộc và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, sự đoàn kết dân tộc trong khu dân cư.
Đồng thời, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, giúp người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất. Đặc biệt, các đội văn nghệ thôn bản với nét đặc trưng riêng, đang có vai trò quan trọng, hấp dẫn thu hút khách trải nghiệm, tham quan thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển.