Quá khứ gian nan
Đã gắn bó gần trọn đời với Plei H’No, một làng của người DTTS nằm trên một triền đồi thuộc xã Đoàn Kết, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum, ông A Tợt (tên thường gọi là Phùng Văn Tợt, bởi khi tập kết ở miền Bắc bà con đặt cho) như vẫn còn khắc khoải, còn nhớ như in cuộc sống lam lũ, đói nghèo ngày trước. Ông cho biết, trong phát triển kinh tế, trước đây, bà con chỉ quanh quẩn năm này sang năm khác với vài hécta lúa rẫy và dăm chục hécta sắn, bắp… Quanh năm chỉ lo cho “no cái bụng” mà vẫn có nhiều nhà còn phải chạy ăn từng bữa, nhất là nạn đói giáp hạt luôn là bài toán nan giải ở vùng quê này.
Ông A Tợt còn nhớ lại những sự kiện buồn từng xảy ra tại buôn làng của mình thời gian 20 năm trước (năm 2001 và 2004). Nguyên nhân dẫn đến hai sự kiện nói trên, trước hết là do âm mưu điên cuồng chống phá của các thế lực thù địch. Chúng cấu kết với bọn Fun-rô lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào biểu tình, bạo loạn, gây mất an ninh trật tự, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên.
Bà con làng Plei H’No ngày ấy cũng có một số người nhẹ dạ, lầm đường đi theo bọn chúng, nhưng cũng đã nhanh chóng tỉnh ngộ, quay trở về buôn làng làm ăn. Bài học sâu sắc của những năm ấy vẫn luôn thường trực trong mỗi cán bộ, đảng viên. Cũng từ đó, khẳng định về những thành công trong công tác xây dựng Ðảng, củng cố sức mạnh hệ thống chính trị, tạo dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên miền đất đại ngàn hùng vĩ.
Làm chủ dựng xây quê hương mới
Bà con các dân tộc Gia Rai, Ba Na luôn khắc ghi công ơn của Đảng đã đưa ánh sáng cách mạng soi đường, dẫn dắt người DTTS quê mình dựng xây cuộc sống mới như ngày hôm nay, nhiều người vẫn nghĩ như là một giấc mơ…
Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn - A Hrưm cho biết, làng Plei H’No hiện nay có 147 hộ với 620 khẩu, chủ yếu là dân tộc Gia Rai, Ba Na và một số hộ người dân tộc Xơ Đăng. Thực hiện chủ trương xây dựng cuộc sống mới , những năm qua, đồng bào các dân tộc nơi đây được làm chủ trên quê hương của mình, xoay chuyển hướng làm ăn, cùng nhau phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo làng quê. Từ chỗ chỉ độc canh cây lúa rẫy và cây sắn thì hiện nay, bà con đã từng bước xóa thế độc canh, mở rộng sản xuất, có được 41 ha cao su liên kết với công ty cao su Kon Tum, mở rộng 14 ha lúa nước, trên 10 ha sắn, nuôi 160 con bò, 30 con dê…
Từ đó, cuộc sống đồng bào dần thay đổi, khả giả hơn trước rất nhiều với mức thu nhập bình quân, theo tính toán của thôn trưởng A Hrưm thì đạt khoảng gần 40 triệu đồng/người/năm. Trước đây, mức thu nhập này chỉ khoảng bằng gần một nửa. Nhiều gia đình có mức thu nhập khá giả như: A Nhẻo, A Mát, A Đứi, A Bon, A H’ Ráo, A Nhia…
Trong buổi chiều cuối tháng 7/2021, rảo bước trên những con đường mới mở quanh làng, tôi gặp ông A Nga, ông bộc bạch: “Trước đây, dân làng Plei H’No nghèo khổ lắm. Bây giờ, nhờ chính sách của Nhà nước lo cho dân nên đời sống của bà con đã sướng hơn gấp nhiều lần. Bà con ơn Đảng nhiều lắm”.
Đêm về trên vùng quê mới Plei H’No, ánh điện đường tỏa sáng mọi nhà. Từ trong nhà rông vọng ra, tiếng cồng chiêng ngân vang trong điệu xoang nhịp nhàng mà say đắm. Bên ngọn lửa hồng và men rượu cần nồng ấm, ánh mắt của những chàng trai, cô gái Gia Rai, Ba Na… như sáng dậy niềm tin và hy vọng những điều tốt đẹp ở ngày mai, về một cuộc đổi đời đã và đang đến với bà con các dân tộc ở nơi đây. Nói theo đảng viên A Tợt thì “Làng Plei H’No đã no rồi cán bộ à…”. Cuộc sống mới no đủ, đó chính là kết quả của ý Đảng, lòng dân.