Năm 1999, tại xã Hà Mòn xuất hiện một tôn giáo lạ, thu hút rất nhiều người tham gia, chủ yếu là đồng bào DTTS. Những người đứng đầu đạo lạ đã lợi dụng hoạt động tôn giáo, sự thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin của đồng bào DTTS để xuyên tạc các chủ trương của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước, kích động khối đại đoàn kết dân tộc. Cũng bởi lẽ đó, đạo này được gọi là đạo Hà Mòn.
Chìm trong bóng tối của đạo Hà Mòn
Theo lời kể của già làng A Nuih, làng Đăk Wơk Yốp trước đây thuộc xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (Kon Tum). Đến năm 2005, Dự án Thủy điện Pleikrong bắt đầu được triển khai, nên các hộ dân ở làng Đăk Wơk Yốp phải di dời về khu tái định cư (TĐC) và nhập vào xã Hơ Moong.
Nhân cơ hội này, những kẻ kích động xúi giục người dân chống đối, không hợp tác với chính quyền địa phương. Mặc dù được tạo điều kiện cấp đất, xây nhà và đền bù tiền nhưng người dân một mực từ chối, họ dựng chòi ở tạm ven sông Pô Kô. Từ đây, họ bắt đầu cuộc sống nhiều “không”: Không tiếp người lạ, cán bộ; không cho con đến trường; không khám bệnh tại trạm y tế và từ chối mọi sự hỗ trợ của chính quyền.
Đôi mắt già Nuih đầy u buồn khi nghĩ về chuyện xưa, ông kể: Dù Nhà nước cấp nhà TĐC nhưng dân mình không ở, đi dựng nhà chòi bằng cây rừng, lấy cỏ tranh che lại và ở tạm ven sông Pô Kô. Thấy cán bộ đến vận động, dân mình lại lên thuyền chèo đi. Đàn bà thì coi như không hiểu tiếng phổ thông, giả điếc và không tiếp chuyện.
Vì chìm trong bóng tối của đạo Hà Mòn, đời sống người dân ở Đăk Wơk Yốp ngày càng cực khổ. Những đứa trẻ vì thiếu ăn, thiếu mặc mà còi cọc. Chúng không được đi học, ốm đau không được đưa đến trạm y tế. Chúng lớn lên bằng những bữa măng, con cá và nhiều lần cùng cha mẹ dắt díu nhau tìm chỗ cao để tránh mưa lớn, nước lũ tràn vào nhà tạm.
Sau này, vì ngán ngẩm cảnh tháo chạy khi mưa lớn, người dân ở Đăk Wơk Yốp mới về gần khu TĐC sinh sống. Tuy nhiên họ vẫn không tiếp chuyện với cán bộ và người lạ, nên việc vận động người dân là nhiệm vụ khó khăn nhất lúc bấy giờ của chính quyền địa phương.
“Buổi tối cán bộ thường đi vận động, biết điều này nên khi thấy tiếng xe và đèn rọi tới là đàn ông kéo nhau đi trốn. Chúng tôi không nói chuyện và từ chối mọi sự hỗ trợ và giúp đỡ của chính quyền, vì sợ nhận quà của cán bộ thì phải nghe lời cán bộ. Lúc đấy, dân mình chỉ tin đạo Hà Mòn thôi, cái bụng có đói cũng không nghe cán bộ”, già Nuih nhớ lại.
Phương châm “3 bám 4 cùng”
Người dân ở Đăk Wơk Yốp cứ chìm trong giấc mộng cho đến một ngày người em họ ở làng khác của A Phung (một thầy thuốc ở làng) qua xin thuốc chữa đau bụng. Nghe A Phung kể về việc người dân nghe đạo lạ chống lại chính quyền mà thiếu thốn trăm bề. Thương anh, người em họ khuyên A Phung hãy gặp các cấp chính quyền để trao đổi, trò chuyện, tìm hướng giải quyết để có cuộc sống tốt hơn. Thấy A Phung xuôi cái bụng, người em liền gọi cho cán bộ xã đến để vận động A Phung.
“Tin tưởng vào chính quyền, tôi bắt đầu nhận gạo, thuốc từ các cấp chính quyền. Một mặt cùng với các cán bộ đi vận động già làng về những mặt xấu do đạo Hà Mòn mang lại đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của dân làng. Nghe các cán bộ và tôi phân tích, già làng đồng ý đứng lên cùng các cán bộ vận động người dân nghe theo chính quyền địa phương”, thầy thuốc A Phung cho biết.
Nhờ tiếng nói của những Người có uy tín ở làng mà các cán bộ đã dần tiếp cận được người dân. Người dân đã cho cán bộ ngủ lại nhà và bắt đầu nghe theo lời cán bộ. Qua nhiều cuộc họp làng, nhận thấy khi mình về nơi ở mới sẽ được thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, được cấp nhà, được cấp vườn cà phê, xây nhà, được chính quyền hỗ trợ thủ tục làm hộ khẩu, khai sinh, chứng minh thư nhân dân, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách cho con cái đi học, một số hộ đã đồng ý về sống tại khu TĐC.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận người dân vì nghe lời kẻ xấu xúi giục nên lẩn vào rừng để ở. Để vận động những hộ này, già Nuih và các cán bộ phải lên rừng vận động hằng ngày. Công tác vận động của chính quyền địa phương cứ thế cho tới khi những kẻ cầm đầu đạo Hà Mòn sa lưới pháp luật. Đến năm 2014, nhờ công cuộc bám làng, ăn ở cùng dân và sự tận tụy, kiên trì của các cán bộ mà người dân mới tin và bắt đầu bước ra khỏi bóng tối của đạo Hà Mòn để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Mai Nhữ Nam, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong cho biết, để giúp người dân hiểu và từ bỏ đạo lạ là cả một quá trình nỗ lực, kiên trì của các cấp, ngành tại địa phương. Với phương châm “3 bám, 4 cùng”, huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã để ăn ở cùng người dân, các cán bộ học tiếng với bà con để tạo sự gần gũi, để tuyên truyền cho bà con nhận thức được âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng chống phá, trong đó có đạo Hà Mòn để họ không mắc mưu kẻ xấu.
Làng Đăk Wơk Yốp hôm nay có 87 hộ và đã trở thành làng điển hình về phát triển kinh tế của xã, tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững. Nhờ các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, chính sách an sinh xã hội mà đời sống người dân ngày càng khởi sắc. Ngoài trồng các cây công nghiệp, người dân còn đánh bắt cá ở lòng hồ thủy điện. Đến nay, làng Đăk Wơk Yốp được chọn làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh Kon Tum.