Cơ sở trường lớp ở nhiều nơi còn rất tạm bợ, chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học
Trường Tiểu học PTDTBT Chung Chải số 2, nằm ở trung tâm bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, 100% học sinh của trường là người DTTS. Toàn trường có 10 lớp học gồm 1 điểm trường chính và 3 điểm trường phụ. Tại điểm trường chính ở trung tâm bản Nậm Sin gồm có 3 lớp học, nhưng vẫn phải phân ra 2 khu vực khác nhau để giảng dạy, cách nhau khoảng 500m.
Thầy Lý Văn Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học PTDTBT Chung Chải số 2 cho biết: Nhà trường phải tách thành hai khu để giảng dạy do quỹ đất của trường không đủ để xây dựng các phòng học. Các lớp học cũng chỉ được làm bằng gỗ và lợp tôn, diện tích mỗi phòng học chỉ khoảng hơn 20m2. Còn tại các điểm trường phụ, do thiếu thốn về cơ sở vật chất nên phòng học được trưng dụng luôn làm bếp ăn cho các em học sinh.
Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, thì hiện nay, điều kiện thực tế tại các điểm trường miền núi thiếu trang thiết bị hiện đại như: Đầu chiếu, máy tính nên khó có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy bằng giáo án điện tử theo chương trình đổi mới hiện nay.
Điển hình như, tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, năm học 2020 - 2021, bộ sách Cánh Diều được lựa chọn triển khai đồng bộ tại tất cả các điểm trường. Dù rất kỳ vọng vào những trang giáo án điện tử với hình ảnh, clip sinh động, nhưng do không có hệ thống máy chiếu, máy tính, đặc biệt là mạng Internet nên các thầy giáo, cô giáo vẫn phải sử dụng phương pháp dạy và học trên hệ thống sách giáo khoa là chủ yếu.
Theo cô giáo Nguyễn Thu Hoài, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ, Quảng Ninh, khó khăn lớn nhất và cũng là nguyện vọng của các thầy cô tại các điểm trường lẻ, là bộ sách điện tử phải xem trên mạng Internet. Mà thực tế tại các điểm trường không có mạng, cũng không có đầu chiếu, máy tính để có thể học. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được đầu tư để có thể bảo đảm việc dạy và học được tốt nhất.
Việc thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là tình trạng chung ở các trường học vùng DTTS và miền núi. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, giai đoạn 2015 - 2020, ngân sách nhà nước đã bố trí tổng số 7.354,823 tỷ đồng để thực hiện kiên cố khoảng 11.470 phòng học mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, nhu cầu kiên cố hóa trường lớp học cho các cấp học từ mầm non đến phổ thông giai đoạn sau 2020 còn khoảng 90.000 phòng học. Một số tỉnh có tỷ lệ phòng học kiên cố đạt thấp như: Tuyên Quang, Cao Bằng, Ðăk Nông, Bình Phước; Sóc Trăng...
Chương trình đổi mới chưa phù hợp với thực tiễn
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có 100% các em học sinh trong trường đều là con em người DTTS, chủ yếu là dân tộc Dao và Mông.
Năm học 2020 - 2021, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới , Trường đã lựa chọn Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống để giảng dạy. Sau khi triển khai học theo chương trình đổi mới, giáo viên, học sinh cho rằng, nội dung sách giáo khoa nặng, sách quá nhiều chữ, khó hiểu; các bài học có tốc độ nhanh, khiến học sinh không thể tiếp thu, vì nhận thức của các em không đồng đều; gây khó khăn cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh, nhất là môn Tiếng Việt.
Cô giáo Nông Thị Hương, giáo viên Chủ nhiệm lớp 1 của trường cho biết, lượng kiến thức trong một bài học lớn, chẳng hạn như, trong một bài học mà học sinh phải học hai âm, học sinh không theo kịp. Thời lượng học quá ít, trong hai tiết phải thực hiện đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; trong khi đa số học sinh vùng cao học hết mầm non đều chưa nhận biết được hết mặt chữ cái, nhiều cháu còn chưa nói sõi tiếng phổ thông... nên việc học của các cháu gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, việc triển khai chương trình giáo dục mới, không chỉ khó với học sinh mà cả giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn. Để học sinh lĩnh hội tri thức một cách tốt nhất, các giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 cũng giành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu sách giáo khoa mới, từ đó tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp đối với các em, nhất là các em còn yếu về tiếng Việt.
Việc gặp khó khăn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, là tình trạng chung của các trường phổ thông ở miền núi. Vậy nên mới đây, tỉnh Gia Lai đã phải xây dựng bộ tài liệu giáo dục địa phương. Theo ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, đến thời điểm này, Sở đã xây dựng xong khung chương trình và tổ chức biên soạn “Tài liệu giáo dục kiến thức địa phương-lớp 1”; dự kiến cuối năm nay ban hành tài liệu này…
Thiết nghĩ, để thực hiện Chương trình đổi mới giáo dục ở vùng DTTS và miền núi đạt hiệu quả theo mục tiêu của chương trình đã đặt ra, ngành Giáo dục cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý tận gốc những tồn tại, hạn chế trên.