Bài 1: Chung tay “trồng người” ở vùng khó
Đem trường đến với học sinh
Nậm Pồ là một huyện nghèo biên giới của tỉnh Điện Biên, 15/15 xã của huyện đều thuộc xã khu vực III, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 54,76% tổng số hộ. Nhưng có một lĩnh vực Nậm Pồ không “nghèo” - đó là quyết tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Theo ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nậm Pồ, bình quân ngành Giáo dục huyện được ngân sách bố trí hơn 40 tỷ đồng/năm để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học… Ngoài ra, từ khi huyện được thành lập đến nay (tháng 8/2012), ngành đã nhận được hơn 12 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân ủng hộ; thầy, cô giáo và phụ huynh góp hơn 10.000 ngày công và vật liệu…
Từ sự chung tay này mà sự nghiệp giáo dục ở huyện biên giới Nậm Pồ đã có những chuyển biến ấn tượng. Khi mới thành lập, toàn huyện chỉ có 3 trường đạt chuẩn quốc gia; có 650 phòng học thì hơn 200 phòng dột nát. Sau 7 năm, 20/40 trường trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2019 - 2020, toàn huyện có 866 phòng học thì có 460 phòng học kiên cố (đạt 53,1%), không còn phòng học tạm bợ…
Cũng như huyện Nậm Pồ, lĩnh vực giáo dục ở các địa phương vùng DTTS và miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Nhờ đó, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư đồng bộ, khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập 2 buổi/ngày cho học sinh.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 27.693 trường phổ thông với tổng số 584.732 phòng học; trong đó chỉ có 5,18% là phòng học mượn tạm. Đặc biệt, tỷ lệ phòng học kiên cố ở các địa phương miền núi đạt từ 70% trở lên; chỉ một số tỉnh có tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp, như: Tuyên Quang 51,1%; Cao Bằng 51,2%; Ðăk Nông 54,7%…
Mang học sinh đến trường
Cơ sở vật chất trường lớp là yếu tố đầu tiên, quyết định cho sự phát triển GD&ĐT. Nhưng đây mới chỉ là điều kiện “cần”, bởi với học sinh miền núi, rất nhiều trường hợp do kinh tế gia đình khó khăn nên rất khó đi hết con đường học tập.
Ở các địa phương miền núi, rất nhiều trường hợp phải bỏ học. Vì vậy, cùng với nỗ lực “đem trường đến với học sinh” thì nhiều chính sách hỗ trợ học sinh DTTS đã được triển khai, với mục tiêu “mang học sinh đến trường”.
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, chỉ tính trong 3 năm (2016 - 2018), ngân sách Trung ương đã bố trí 5.730 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con em đồng bào DTTS. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng.
Ngoài nỗ lực của Nhà nước thì các tổ chức, cá nhân cũng tích cực ủng hộ để nâng bước học sinh DTTS đến trường. Chỉ tính riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng, giai đoạn 2015 – 2019 đã nhận đỡ đầu 2.723 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Với sự chung tay đó, lĩnh vực giáo dục ở vùng DTTS và miền núi đã có bước phát triển vượt bậc; nhiều học sinh DTTS đã đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và các kỳ thi đại học, cao đẳng. Nhưng chính kết quả này cũng đặt ra yêu cầu đổi mới nhiều mô hình phát triển giáo dục đang triển khai ở vùng DTTS và miền núi. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
Từ các chương trình, dự án của Nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội, cơ sở vật chất trường lớp ở vùng DTTS và miền núi đã được đầu tư khang trang; cơ chế, chính sách cũng đã được thực hiện kịp thời để hỗ trợ học sinh DTTS yên tâm học tập.