Để xây dựng đề cương Đề án, Ban soạn thảo đã khảo sát tại 4 tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng); thu thập thông tin báo cáo của 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; lấy ý kiến của các vụ, đơn vị…
Tại cuộc họp, sau khi nghe Ban soạn thảo trình bày dự thảo Đề án và các nội dung liên quan, các đại biểu đã đóng góp một số ý kiến về tên gọi, bố cục, đối tượng, phạm vi và các nội dung chính của Đề án. Ngoài ra, các ý kiến cũng tập trung thảo luận về công tác rà soát các chính sách của Trung ương, của địa phương cho đồng bào của các tỉnh trong khu vực.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo và cho rằng, các thông tin, số liệu đã được tổng hợp khá đầy đủ và chi tiết, góp phần xây dựng dự thảo Đề án. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị công tác rà soát chính sách cần phân tách rõ các chính sách của Trung ương, của địa phương, bao gồm các kết quả đạt được; phân tích những hạn chế bất cập và những vấn đề thực tiễn đặt ra. Tên gọi của Đề án cũng cần được nghiên cứu kỹ hơn.
Cần rà soát, bổ sung với mục tiêu tăng tính hiệu quả của các nội dung chính như: hỗ trợ đất, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề, giáo dục đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, tỷ lệ phân bổ các nguồn vốn (Trung ương, địa phương, xã hội hóa…), tăng cường các phụ biểu chi tiết liên quan… Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề nghị Ban soạn thảo tổng hợp các ý kiến góp ý, sớm hoàn thiện dự thảo Đề án để chuẩn bị tổ chức Hội thảo góp ý vào cuối tháng 9/2018.
HUYỀN CƯỜNG