Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng): Cần đầu tư phát triển điện lưới khu vực nông thôn, hải đảo, miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn…
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho rằng, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác trong những tháng còn lại của năm 2024, đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa từ Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Đồng thời, rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong các dự án trọng điểm quốc gia.
Đặc biệt, xuất phát từ thực tiễn công tác tại cơ sở và tiếp thu các kiến nghị của cử tri tại địa bàn ứng cử, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị, cần quan tâm đến vấn đề đầu tư nguồn lực cho chương trình phát triển điện lưới khu vực nông thôn, hải đảo, đặc biệt là khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. “Tôi tha thiết đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, huy động tối đa các nguồn lực, bố trí, cân đối các nguồn vốn từ đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục đầu tư thực hiện việc cấp điện cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.”, đại biểu Đoàn Thị Lê An nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương): Đồng bào DTTS và người dân vùng nông thôn khó tiếp cận với các dịch vụ công
Góp ý về chất lượng cổng dịch vụ công trực tuyến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, thủ tục hành chính tuy được cắt giảm nhưng một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chất lượng của dịch vụ công trực tuyến hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế.
Về kỹ thuật, cổng dịch vụ công cả cấp tỉnh và quốc gia còn hay bị lỗi, việc nộp, cập nhật, bổ sung và theo dõi tình trạng hồ sơ trực tuyến còn nhiều bất cập.
Về con người, còn xảy ra khá thường xuyên tình trạng cán bộ phụ trách không giải thích, hướng dẫn cho người dân khi hồ sơ bị sai và cán bộ trả lại hồ sơ với lý do không thỏa đáng. Về quy trình, thủ tục, còn chậm trễ trong quy trình tiếp nhận hồ sơ, người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhưng lại được yêu cầu là bổ sung hồ sơ trực tiếp.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, các tính năng để thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa được bảo đảm, quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chưa tối ưu hóa cho người dùng, cổng dịch vụ công còn khó tiếp cận với người khiếm thị, đồng bào DTTS và người dân vùng nông thôn.
Hiện nay để có thể sử dụng được cổng dịch vụ công trực tuyến, người dân phải đáp ứng được 3 tiêu chí: Có thiết bị thông minh, có Internet và có khả năng, trình độ sử dụng. Đại biểu nhận thấy, riêng yếu tố thứ 3 đã tạo nên rào cản sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến với rất nhiều người dân do giao diện của cổng dịch vụ công trực tuyến vừa khó sử dụng, vừa khó kết nối suôn sẻ.
Để nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cổng dịch vụ công trực tuyến cần được cải thiện, tăng tính thân thiện, dễ sử dụng giao diện và hoàn thiện chính sách.
Để phát triển dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo người dân thuận tiện, dễ dàng trong sử dụng, để không lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị trong nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 cần bổ sung nhiệm vụ rà soát để cải thiện, nâng cấp các cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng thân thiện, dễ sử dụng với người dân, hạ tầng kết nối đồng bộ, thông suốt với Cổng dịch vụ công quốc gia.