Trong chuyến hành trình lên vùng miền Tây Nghệ An, để đến với người Mông ở Huồi Khe, xã Mường Ải quả thật không đơn giản. Biết được ý định của tôi, anh bạn Hoàng Văn Hiếu, Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn (có thâm niên gần 10 năm sống với bà con người Mông) nhiệt tình làm tài xế và phiên dịch đi cùng.
Mặc dù Nhà nước đã đầu tư xây dựng con đường để ô tô vào được trung tâm xã, thế nhưng để vào được Huồi Khe, phải mất hơn 3 giờ đồng hồ bằng xe máy, men theo con đường vành đai miền Tây Nghệ An qua bao nhiêu con suối, đỉnh núi từ ngã ba Lưu Kiền (huyện Tương Dương) rồi qua các xã Nậm Càn, Na Ngoi đến với bản Huồi Khe thuộc xã Mường Ải của huyện Kỳ Sơn..
Trưởng bản Huồi Khe, Lầu Giống Xênh thể hiện hết lòng nhiệt tình, cởi mở đón chúng tôi nơi đoạn dốc con đường vào nhà. Nhấp vội chén trà còn bốc khói, ông Xênh nói: “Mình mới đi lên cụm bản Ải Khe, Thặm Khớp họp dân về. Cùng một bản nhưng ở cách nhau hơn 30km nên vất vả lắm”. Rồi giọng ông Lầu Giống Xênh bỗng chùng xuống khi nói về cuộc sống bà con người Mông nơi đây. Ông Xênh kể rằng: Năm 2003, cuộc sống của đồng bào nơi đây rất khó khăn do thiếu nước và đất sản xuất nên Nhà nước đã có chủ trương di dời người Mông về Huồi Khe sinh sống.
Là bản tái định cư được nhiều sự quan tâm của chính quyền nên cuộc sống bà con thời gian đầu cũng đỡ khó khăn vất vả. Thế nhưng khi các chương trình hỗ trợ bị cắt giảm, cuộc sống nghèo đói lại quay lại hiện hữu. Bây giờ nếu tính chung tất cả các cụm bản, thì Huồi Khe có khoảng 60 hộ, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 80%. Vất vả nhất là bây giờ các hộ dân ở tách biệt với nhau, đất đai khô cằn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất...
Theo Trưởng bản Xênh, cuộc sống thiếu đói luôn đeo đẳng cuộc sống của đồng bào, nhiều hộ gia đình thiếu lương thực quanh năm luôn cần sự hỗ trợ. “Nói thật ở nơi này nếu không có tâm thì có thầy cô hay bác sĩ nào vào đây để giúp dân”, Trưởng bản Xênh bộc bạch.
Lạc hậu, đói nghèo như bóng tối bao trùm kìm hãm sự phát triển của bản làng. Ông Xênh xót xa kể về câu chuyện mới xảy ra ngay trong gia đình mình. Đó là việc con gái của ông Xênh là Xồng Y Pái, mới vừa hơn 17 tuổi, trong ngày Tết đi ném pao đã gặp một chàng trai ở bản Thăm Hín (xã Nậm Càn). Chẳng hiểu hai đứa có phải lòng nhau hay không nhưng một ngày kia ông được thông báo Y Pái đã được chàng trai nọ bắt về làm vợ.
Tổ chức đám cưới ở nhà trai xong, vợ chồng đưa nhau về ra mắt bên ngoại. Vậy mà trưa hôm ấy, Y Pái cùng mẹ đi lấy thức ăn cho bò thì tìm đến lá ngón tự vẫn. Trước lúc mất, con gái Xênh còn để lại thư bảo rằng, lấy chồng không được như ý muốn nên chẳng thiết sống nữa.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn cố hữu, thì trong bản cũng đã xuất hiện một số mô hình làm kinh tế hiệu quả cho thu nhập như điểm sáng của bản. Theo Trưởng bản Xênh, từ những mô hình này, Bản sẽ động viên bà con học tập, chia sẻ kinh nghiệm để làm theo.
Rồi ông dẫn chúng tôi đến nhà ông Xồng Nỏ Chò, một hộ được coi là giàu nhất bản “vừa nhiều trâu bò vừa có tiền để dành”. Nhà ông Nỏ Chò là ngôi nhà mới được lợp pro xi măng mới tinh bằng số tiền bán trâu, nhưng đồ đạc bên trong vẫn còn sơ sài.
Ông Xồng Nỏ Chò cho biết: “Nhà tôi bây giờ còn nuôi 17 con trâu, bò và mới thoát nghèo năm nay. Kinh tế thì cũng đủ ăn thôi, làm nhiều mà có biết buôn bán cho ai. Cả bản không có nổi một cái quán bán hàng, muốn mua gì cũng phải đi bộ xa thì có tiền cũng như không”.
Đàn trâu, bò của ông Nỏ Chò bây giờ muốn bán cũng chưa dám bán vì nhà ông còn mấy đứa con chưa lấy vợ, ông muốn để lại để sau này cho mỗi đứa một con làm vốn khi chúng lập gia đình. Nói là giàu nhưng bữa cơm trưa nhà ông cũng giống như bao gia đình người Mông ở bản nhỏ heo hút này, một rổ cơm, một tô nước lã và mấy cọng rau nấu canh ăn cho qua bữa. Sang lắm là con cá mặn được mua để dành khi nhà có khách.
Mặt trời xuống núi, chúng tôi chia tay bà con Huồi Khe, Trưởng bản Lầu Giống Xênh cầm tay vẫn quả quyết rằng: “Dù cuộc sống của bà con còn những khó khăn nhưng với sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền địa phương và nỗ lực của người dân, không lâu nữa cuộc sống đồng bào người mông ở Huồi Khe sẽ thay đổi, nghèo đói sẽ đẩy lùi”.
Dù vậy chúng tôi vẫn thấy băn khoăn day dứt…
MINH THỨ