Nguyên nhân:
Trong quá trình phát triển nhanh chóng của trẻ ở tuổi dậy thì, trọng lượng cơ thể tạo ra nhiều áp lực lên chân. Khi đầu chi dưới xung huyết sẽ dẫn đến đau chân. Y học hiện đại gọi hiện tượng này là đau chân tăng trưởng. Nguyên nhân gây nên những cơn đau như vậy là do xương phát triển quá nhanh; Thiếu canxi; Thừa cân, béo phì; Trẻ quá hiếu động, nghịch ngợm (chạy nhảy, nô đùa…), dẫn tới các sự va chạm, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của xương khớp.
Dấu hiệu:
Các cơn đau xương khớp ở tuổi dậy thì thường là những cơn nhức mỏi, đau nhói cả 2 bên cơ thể. Chúng có thể xuất hiện mỗi ngày nhưng không liên tục. Trong một số trường hợp, trẻ bị đau đầu nhẹ hoặc đau bụng. Bên cạnh đó, dấu hiệu của chứng đau xương khớp ở tuổi dậy thì còn phụ thuộc vào vị trí ảnh hưởng của cơn đau. Những dấu hiệu phổ biến bao gồm: đau chân, đau lưng, đau gót chân, đau khớp, sưng nóng đỏ, đau cứng khớp gối.
Biện pháp chăm sóc và điều trị:
Bệnh đau xương khớp ở tuổi dậy thì là tình trạng không nghiêm trọng. Sau một khoảng thời gian, bệnh sẽ tự khỏi nên không cần điều trị. Nhưng nếu triệu chứng diễn biến phức tạp, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ kết hợp điều trị bằng thuốc với các biện pháp chăm sóc tại nhà dưới đây.
Chăm sóc trẻ tại nhà
Để giúp trẻ nhanh chóng cải thiện các cơn đau nhức, phụ huynh có thể: Ôm ấp, xoa bóp nhẹ nhàng; Khuyến khích trẻ tập luyện các bài tập thư giãn và kéo căng cơ; Chườm nóng để làm dịu cơn đau; Cho trẻ tắm nước nóng trước khi đi ngủ; Để trẻ phơi nắng nhằm bổ sung vitamin D
Điều trị bằng thuốc
Nếu trẻ đau nhức dữ dội, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc có tác dụng giảm đau, tăng cường chức năng xương khớp, đồng thời ngăn ngừa tổn thương như:
Thuốc kháng viêm không chứa Steroid (NSAIDs) như Naproxen Natri, Ibuprofen… giúp ức chế sưng, viêm và đẩy lùi cơn đau hiệu quả. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể dẫn đến chứng đau dạ dày và một số vấn đề về gan.
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs) có khả năng điều trị viêm khớp dạng thấp và ngăn ngừa một số biến chứng trong tương lai. Lưu ý, loại thuốc này có thể gây ra hiện tượng buồn nôn và các vấn đề về gan.
Corticosteroid thường được chỉ định trong trong các trường hợp đau nhức xương khớp nặng. Thuốc có thể được dùng thông qua đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch. Tuy nhiên, tác dụng phụ của nó là tác động tiêu cực đến sự phát triển bình thường của trẻ, gây yếu xương, viêm quanh màng tim, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy, phụ huynh chỉ cho con sử dụng loại thuốc này theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đau xương khớp ở tuổi dậy thì có thể xuất hiện ở bất kỳ đứa trẻ nào. Muốn đồng hành với con bước qua giai đoạn phát triển đầu đời này, cha mẹ cần chủ động cập nhật kiến thức và chăm sóc con một cách khoa học. Để đảm bảo an toàn sức khỏe của trẻ, khi phát hiện một số triệu chứng bất thường, các bậc phụ huynh nên đưa con em đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời./.