Ám ảnh dioxin
Vùng “rốn da cam” thuộc xã Đông Sơn có 3 thôn Loa - Ta Vai, Tru, Ân Sam với 404 hộ, 1.614 nhân khẩu, trong đó có 384 hộ, 1.561 nhân khẩu đồng bào DTTS. Toàn xã có 49 người bị chất độc da cam dioxin đang hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hơn 400 người nghi nhiễm chất độc da cam dioxin đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống vô cùng khó khăn. Bệnh tật, nghèo đói bủa vây nhưng người dân nơi đây vẫn yêu quý, gắn bó với vùng đất này.
Từ năm 1993, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tiến hành khoanh vùng, xử lý tạm thời những diện tích đất bị nhiễm dioxin. Đến năm 2020, Dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So được triển khai đồng bộ đã xử lý xong 5 luống đất nhiễm chất độc dioxin bằng phương pháp chôn lấp cô lập và 1 luống bằng phương pháp phân huỷ sinh học, tổng diện tích: 9,35 ha. Hiện nay đã tiến hành hoàn thổ và trồng cây trên diện tích đất khu B (5,23 ha), san mặt bằng hố chôn tại khu A của dự án và bàn giao đất sạch cho địa phương vào cuối năm 2023.
Dự án xử lý đất nhiễm dioxin hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống bà con nơi đây, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của địa phương. Ngày diễn ra Lễ bàn giao đất cho địa phương, những người lính của Binh chủng hóa học đã không giấu nổi niềm xúc động khi đất ở sân bay A So đã được tẩy sạch chất độc. Thời gian làm nhiệm vụ giúp “đất chết” hồi sinh, những người lính hóa học còn thực hiện nhiệm vụ bù đắp nỗi đau da cam cho đồng bào nơi đây, giúp dân dựng nhà cửa, tặng vật nuôi cho bà con có người thân bị di chứng chất độc da cam. Và họ đã cùng người dân gây dựng lại sự sống trên vùng “đất chết”.
“Đất chết” hồi sinh
Với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương, nhiều chương trình, dự án được triển khai tại địa bàn xã đã tạo diện mạo mới cho vùng đất này. Cụ thể như dự án hỗ trợ đồng bào vay vốn để sản xuất, hỗ trợ cây con, trồng rừng; Chương trình 134, 135, 160, WB, dự án giảm nghèo, Chương trình 12 xã biên giới, Chương trình MTQG 1719… nhờ đó đời sống của người dân ngày càng ổn định, phát triển.
Vùng đất Đông Sơn nay đã đổi khác với đầy đủ cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm... Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp cấp mầm non và cấp tiểu học đều đạt 100%; xã có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; Nhà nước cũng đã thực hiện chính sách xóa nhà tạm cho 217 hộ dân. 100% các hộ dân có nước sạch sử dụng…
Chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ các loại cây phù hợp với đặc điểm vùng đất này, như cây keo, sắn, ngô; hỗ trợ bò, trâu, dê… để bà con phát triển sản xuất, chăn nuôi, từng bước xóa đói giảm nghèo. Như trường hợp vợ chồng chị Lê Thị Sáu trồng lúa nước đạt 50 tạ/ha, cùng mấy chục ha rừng trồng, chăn nuôi mấy chục con bò. Hay gia đình anh Hồ Văn Tanh trồng được 3ha rừng, nuôi 17 con trâu. Anh Hồ Văn Lợi với vốn vay 50 triệu đồng đầu tư mô hình kinh tế kết hợp trồng rừng, nuôi bò đàn và mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa cho thu nhập mỗi năm 250 - 300 triệu đồng...
Ông Lê Thanh Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đông Sơn nhấn mạnh, nhiều người dân của xã Đông Sơn giờ không chỉ lo làm ăn thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Diện mạo mới của vùng đất Đông Sơn hôm nay chính là thành tựu của Đảng và Nhà nước khi làm hồi sinh màu xanh trên vùng “đất chết”.