Đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn để những người mang trong mình thứ chất độc ấy được xoa dịu nỗi đau, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam. Đây cũng là hành động của lương tri, vừa thể hiện truyền thống “Đền ơn, đáp nghĩa”, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc.
Được biết, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 23.500 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; 10.439 hộ có từ 1 - 6 nạn nhân chất độc da cam.
15 năm xây dựng, hoạt động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thanh Hóa đã có sự vươn lên mạnh mẽ, tiến bộ vững chắc. Hiện toàn hội có hơn 20.000 hội viên; luôn tích cực chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác, đạt được những kết quả rất đáng trân trọng, đặc biệt là công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.
Toàn hội đã vận động xây dựng 180 nhà tình nghĩa, tổng trị giá 7,200 tỷ đồng; hỗ trợ vốn phát triển kinh tế hộ cho 300 hộ; 500 nạn nhân da cam được cung cấp xe lăn, xe bại não; 500 con, cháu của nạn nhân chất độc da cam được nhận hỗ trợ khuyến học, khuyến tài; hơn 2.900 nạn nhân được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; 13.750 lượt nạn nhân da cam được thăm hỏi, tặng quà từ các nguồn ủng hộ của các nhà hảo tâm.
Đến nay, 100% hộ nạn nhân chất độc da cam thuộc đối tượng người có công đều được hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát, hiện có nhà ở vững bền.