Nỗ lực nâng cao đời sống cho Người có công
Theo Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), mỗi năm, cả nước giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần cho 6.000 đến 8.000 trường hợp, đưa trên 580.000 lượt Người có công đi điều dưỡng định kỳ. Hàng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đều tổ chức đưa Người có công với cách mạng đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công của Bộ LĐTB&XH; tổ chức đo khám dụng cụ chỉnh hình cho các thương, bệnh binh; qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe cho thương binh, bệnh binh và Người có công với cách mạng.
Ông Ma Doãn Thắng, dân tộc Tày, thương binh hạng 1/4 ở phường Tân Quang (TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, những chuyến đi điều dưỡng thật ý nghĩa vì vừa giúp ông được phục hồi sức khỏe với chế độ chăm sóc đặc biệt; vừa tạo là cơ hội để ông được gặp và chuyện trò với những người đồng đội từng một thời cùng chung chiến hào. Ai cũng vui mừng, phấn khởi vì đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Đây là nguồn động viên lớn lao để thương, bệnh binh tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống.
Cùng với đó, mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi Người có công được điều chỉnh tăng phù hợp, với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở. Đặc biệt, từ 15/9/2021, mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi Người có công sẽ được áp dụng theo Nghị định 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, tổng kinh phí hàng năm để thực hiện chính sách sẽ tăng thêm khoảng 800 tỷ đồng.
“Cách tri ân tốt nhất, thiết thực nhất của thế hệ hôm nay là làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách. Đảng, Nhà nước, ngành LĐTB&XH cùng chính quyền địa phương và gia đình sẽ chăm lo để các bậc cha ông được sống vui, sống khỏe, là điểm tựa tinh thần cho con cháu” (Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định khi đến thăm cụ Hoàng Văn Bằng, 104 tuổi, ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - cán bộ lão thành cách mạng, chiều ngày 15/7/2022)
Theo Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi, Cục Người có công luôn sát sao, hướng dẫn các địa phương thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng trên cơ sở nguyên tắc đúng, đủ, kịp thời. Cùng với chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi thì các cấp ngành, địa phương cũng đã tích cực hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho Người có công theo Nghị quyết số 15-NQ/TW. Tính đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở cho 393.707 hộ Người có công, kinh phí thực hiện hơn 10 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW đề ra.
“Đến nay, có 98,6% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99% xã/phường/thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, Người có công. Bộ phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với Người có công với cách mạng và không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo”, Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi cho biết.
Huy động các nguồn lực xã hội
Đối với công tác xã hội hóa nguồn lực chăm sóc Người có công năm 2021, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước vận động được gần 400 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới trên 4.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 3.800 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 288 tỷ đồng; tặng gần 8.400 sổ tiết kiệm với kinh phí gần 18 tỷ đồng; có 3.727 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Trước đó, tính từ năm 2010 đến hết năm 2020, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận gần 6.500 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155.000 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng; tặng trên 124.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng; hơn 6.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27/7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ, 75 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi Người có công được triển khai toàn diện. Điều này không chỉ thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với Người có công, mà còn góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.
Đặc biệt, Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 có nhiều điểm mới, quy định chặt chẽ, khả thi, bảo đảm chế độ cho Người có công và thân nhân. Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bổ sung đối tượng Người có công và thân nhân.
Theo Thứ trưởng, để nâng cao công tác chăm sóc, điều dưỡng Người có công với cách mạng, Cục Người có công cần bám sát Pháp lệnh Ưu đãi Người có công, tổ chức triển khai phù hợp với thực tiễn để chính sách tác động sâu rộng trong xã hội. Đồng thời, cần bám sát Nghị định 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021, có hiệu lực từ ngày 15/9/2021, để chăm lo tốt hơn nữa cho Người có công.
“Nghị định số 75/2021/NĐ-CP đã mở rất rộng mức trợ cấp và các chế độ ưu đãi đối với Người có công với cách mạng. Trong triển khai, Cục Người có công và các địa phương, phải huy động các nguồn lực của xã hội để nâng cao công tác chăm sóc, điều dưỡng cho Người có công”, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan đề nghị.
Năm 2021, Cục Người có công đã thẩm định trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 611 liệt sĩ, cấp đổi lại hơn 10.000 Bằng Tổ quốc ghi công. Cùng với đó, hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị tổ chức lấy 1.403 mẫu hài cốt liệt sĩ và tiếp nhận 395 mẫu hài cốt liệt sĩ do gia đình liệt sĩ gửi đến. Bằng phương pháp thực chứng đã xác định danh tính 1.293 liệt sĩ; bằng phương pháp giám định ADN đã phân tích ADN của 643/1.486 mẫu hài cốt liệt sĩ và 291/395 mẫu thân nhân liệt sĩ, qua đó đã xác định được danh tính hài cốt của 8 liệt sĩ.