Bảo đảm an sinh
Trở về sau chiến tranh, ông A Mến, dân tộc Xơ Đăng, ở khối 2, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô (Kon Tum) không chỉ mang thương tật tỷ lệ 26%, mà bản thân ông còn nhiễm chất độc hóa học, với tỷ lệ 41%. Tuy nhiên, nhờ được hưởng Pháp lệnh ưu đãi đối với Người có công với Cách mạng về chi trả trợ trợ cấp thương binh, chất độc hóa học và lương hưu hàng tháng, vợ chồng ông cũng vơi bớt phần nào vất vả để nuôi nấng con cái trưởng thành.
“Đảng, Nhà nước đã giải quyết chế độ chính sách cho chúng tôi hàng tháng rất kịp thời, chưa có tháng nào trễ hết. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình chúng tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều”, ông A Mến cho biết.
Ông A Mến là một trong hàng triệu Người có công với cách mạng trên cả nước, được hỗ trợ ổn định cuộc sống từ nguồn ngân sách Nhà nước. Theo báo cáo của Cục Người có công - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, tổ chức ngày 18/1/2021, cả nước hiện có hơn 9 triệu Người có công với cách mạng và thân nhân được hỗ trợ chế độ, chính sách tương đối toàn diện; ngoài trợ cấp thường xuyên còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, việc làm.
Nhờ đó, cuộc sống của Người có công và thân nhân từng bước được cải thiện. Báo cáo của Cục Người có công cho thấy, ước đến cuối năm 2020, có 99,7% hộ gia đình Người có công trên cả nước có mức sống bằng, hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú.
Đặc biệt, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, cùng với người dân cả nước, thì gia đình Người có công bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch Covid - 19. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Cục Người có Công đã tham mưu cho Bộ LĐTB&XH, từ đó góp phần cho Bộ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động ứng phó với dịch Covid -19. Trong đó, cả nước đã có 994.626 Người có công, thân nhân Người có công được hỗ trợ, với số kinh phí chi trả khoảng 1.483 tỷ đồng.
Tiếp tục hỗ trợ sinh kế
Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công cho rằng, làm tốt chính sách đối với Người có công sẽ góp phần vào sự ổn định xã hội, giữ vững thể chế và góp phần từng bước nâng cao đời sống người và gia đình Người có công với cách mạng. Do đó, thời gian qua, cùng với việc xem xét công nhận Người có công với cách mạng, thì nhiều chế độ hỗ trợ đối với Người có công và thân nhân cũng được triển khai thực hiện đồng bộ.
“Ngoài chế độ trợ cấp ưu đãi, thì Người có công và thân nhân còn được thụ hưởng chính sách khác như: bảo hiểm y tế; hỗ trợ về nhà ở; ưu đãi trong giáo dục đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng,...”, ông Lợi thông tin.
Để tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với Người có công và thân nhân, Cục Người có công đã tham mưu để Bộ LĐTB&XH xây dựng Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi) trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 9/12/2020, tại Phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Theo Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) gồm 7 Chương và 58 Điều, với nhiều điểm mới và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện tại. Đặc biệt, chế độ ưu đãi đối với Người có công với cách mạng và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng.
Đáng chú ý là, theo Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi) thì, chế độ ưu đãi được xây dựng nhằm hướng đến bảo đảm sinh kế bền vững cho Người có công và thân nhân. Theo đó, Người có công và thân nhân sẽ được ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, ưu tiên giao khóa bảo vệ và phát triển rừng; Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh; Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Thực tế, hiện đời sống của một bộ phận Người có công còn gặp khó khăn do không còn sức lao động, không có nguồn thu nhập ổn định, sự giúp đỡ của xã hội chưa đủ để giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Hiện, vẫn còn một bộ phận gia đình Người có công với cách mạng đang có mức sống dưới trung bình; phần lớn họ đều sinh sống chủ yếu ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Do đó, việc bổ sung chế độ ưu đãi hướng tới bảo đảm sinh kế bền vững cho Người có công và thân nhân là một bước điều chỉnh rất phù hợp.
Giai đoạn 2016 - 2020 Cục Người có công đã thẩm định trình Bộ LĐTB&XH, để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 3.847 liệt sĩ, cấp đổi lại hơn 90.000 bằng Tổ Quốc ghi công. Riêng năm năm 2020, Cục đã thẩm định trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 615 liệt sĩ, cấp đổi lại 11.860 bằng Tổ quốc ghi công.