Để khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân của họ vơi bớt khó khăn, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách quan trọng và động viên, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tuy nhiên, với âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc.
Vạch trần chiêu trò xảo trá
Cứ vào dịp tháng 7, trong khi cả nước hướng về Ngày Thương binh, Liệt sĩ với biết bao lòng thành kính, nhớ ơn công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào đã ngã xuống thì cũng là lúc những luận điệu chống phá, lời lẽ ngược dòng lại xuất hiện nhiều hơn. Lợi dụng những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công ở một số địa phương, các thế lực thù địch tỏ rõ thói “đạo đức giả” khi tung ra nhiều bài viết, hình ảnh, video với nội dung vu cáo “chính quyền không quan tâm”, “người có công bị bỏ rơi”, để hạ bệ, phủ nhận vai trò, nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong chăm lo người có công. Một số kẻ vu cáo Đảng, Nhà nước “bỏ mặc các gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh”, miệt thị rằng trong chiến tranh vì nghe “lời xúi giục, dối lừa của Đảng” mà lao vào trận chiến, nay bỏ thân hay tàn phế thì không ai quan tâm!
Thâm độc hơn, họ đồng nhất nghĩa vụ thiêng liêng cao cả của lực lượng cách mạng với những kẻ phản cách mạng; đánh đồng sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân cũng giống như những binh lính Việt Nam cộng hòa - tay sai của thực dân, đế quốc, đòi vinh danh chế độ Việt Nam cộng hòa. Số đối tượng xấu còn cố tình “bẻ lái” sự hy sinh, cống hiến của anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, xuyên tạc những hy sinh, mất mát là do cảnh “nồi da, nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn”. Từ đó, họ đòi bỏ Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, chối bỏ những cống hiến quên mình của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; phủ nhận chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công.
Thực chất đó là những luận điệu hết sức sai trái, thể hiện bản chất phi nhân văn, phản đạo đức của các thế lực thù địch, số tổ chức, cá nhân phản động sống lưu vong ở hải ngoại, các hãng truyền thông hải ngoại định kiến với Việt Nam. Có thể thấy, những thông tin sai trái phát tán trên mạng xã hội trắng trợn xuyên tạc, cố ý lập lờ đánh lận con đen, đánh tráo giá trị, đổi trắng thay đen, đổi đen thành trắng, nói không thành có, nói có thành không nhằm gây xáo trộn tư tưởng, tạo hoài nghi, mất tin tưởng về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Mục đích không chỉ kích động chống phá Đảng, Nhà nước mà còn cố tình làm băng hoại truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, giảm sự chung tay của toàn xã hội trong chăm lo người có công với cách mạng, gia đình chính sách.
Tiếp nối đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc
Sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân ta là vô giá; không thể quy đổi, so sánh giá trị vật chất nào, càng không thể phủ nhận, xóa mờ những hiến dâng ấy cho Tổ quốc. Chính vì vậy, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau. Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”. Những tình cảm sâu nặng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác thương binh, liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, kế thừa, phát huy và cụ thể hóa thành nhiều chương trình, chính sách giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Quan điểm nhất quán đó được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng. Trong đó, Đại hội XIII khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”.
Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa XII) “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”, ngày 09/12/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 (Pháp lệnh) về ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021 với nhiều điểm mới nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh đã mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người có công và thân nhân người có công. Pháp lệnh cũng xác định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp hằng tháng với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, đồng thời bỏ quy định trợ cấp tuất theo số con liệt sĩ với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà cố định rõ mức trợ cấp chung, đảm bảo chăm lo các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà không phụ thuộc vào số con liệt sĩ. Chế độ ưu đãi người có công và thân nhân của người có công đã bảo đảm mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Các cấp, ngành, địa phương không ngừng hoàn thiện, bổ sung thể chế, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; xây dựng, ban hành quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2013 - 2020 và xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách tại địa phương và tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng…
Với sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chăm lo người có công với cách mạng và thân nhân của họ được tiến hành với nhiều nội dung như: Xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc…
Đến nay, người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên; ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở…
Hiện cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp, đưa trên 580 nghìn lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ và hỗ trợ giáo dục cho khoảng 40 nghìn lượt người. Mạng lưới các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng được quy hoạch tổng thể, rộng khắp trong cả nước với 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự đủ để đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng. Tính đến năm 2022, cả nước đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 công trình ghi công liệt sĩ trên khắp cả nước. Tất cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống luôn được chăm lo đời sống bằng nhiều việc làm cụ thể như tặng quà, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới nhà tình nghĩa; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời...
Những việc làm trên đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng xã hội góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Đồng thời, là minh chứng thuyết phục phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của kẻ xấu về chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của toàn xã hội đối với những người đã cống hiến cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đất nước ta có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay đến từ sự hiến dâng quên mình của thế hệ ông cha đi trước. Hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội đã được nâng cao rõ rệt thì việc quan tâm chăm lo người có công với cách mạng càng phải được thể hiện đậm nét hơn, hiệu quả hơn.