Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn): Làm rõ nhiệm vụ nào là thực hiện, nhiệm vụ nào là hỗ trợ
ĐB ghi nhận Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã tổng hợp đầy đủ ý kiến ĐBQH, đã giải trình rõ ràng, hợp lý các nội dung. Dự thảo làm rõ nhiều nội dung ĐB còn băn khoăn, còn ý kiến khác nhau.
Góp ý về Điều 8 dự thảo Luật về hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ĐB nêu rõ, đây là một trong những chức năng chính quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Thực tế cho thấy, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc huy động Nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở thôn, tổ dân phố, nhất là trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật, phát hiện tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện được đầy đủ và chưa rõ nhiệm vụ của lực lượng này trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Do đó, ĐB đề nghị cần quy định rõ nhiệm vụ nào là hỗ trợ lực lượng Công an xã trực tiếp triển khai phong trào và nhiệm vụ nào phối hợp với các lực lượng khác để triển khai thực hiện.
ĐB cho biết, hiện nay còn có cách hiểu khác nhau về từ “thôn”. Do vậy, để rõ nghĩa hơn và bảo đảm áp dụng áp dụng pháp luật được dễ dàng trên thực tế, tránh có cách hiểu khác nhau cần quy định rõ về thôn, tổ dân phố, như theo giải thích tại từ ngữ tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang): Cần bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Góp ý tại Điều 26 về nhiệm vụ chi của địa phương, ĐB Hoàng Ngọc Định cho rằng, mặc dù trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập đến vấn đề nhiệm vụ chi nhưng ĐB còn băn khoăn về nội dung này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này.
ĐB cho rằng, các nhiệm vụ chi phục vụ hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tại địa phương nhiều, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ khác của địa phương hàng năm rất lớn nên vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, đặc biệt là đối với những địa phương còn rất khó khăn, ngân sách chủ yếu là phụ thuộc vào Trung ương.
Trong khi đó, chính sách do Trung ương đã ban hành và được ban hành mới trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025 chưa được tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Do vậy, ĐB Hoàng Ngọc Định đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ, các địa phương khó khăn về ngân sách, không cân đối được ngân sách để bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng này.
Góp ý tại Điều 26 của dự thảo, ĐB cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ tạo sự không công bằng về chế độ giữa các địa phương do các tỉnh có điều kiện tự cân đối ngân sách sẽ có khả năng kinh phí để quy định mức chi cao hơn các địa phương khác có điều kiện khó khăn hơn trong khi nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của các địa phương là giống nhau về bản chất.
Do đó, ĐB Hoàng Ngọc Định đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi theo hướng quy định cụ thể mức chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoặc có thể chia theo mức hỗ trợ của các vùng, miền gắn với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của các địa bàn.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông): Dự án Luật đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của tình hình thực tế
ĐB Dương Khắc Mai đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý kĩ lưỡng dự án Luật. Từ thực tiễn công tác tại các tỉnh Tây Nguyên trong suốt thời gian qua, ĐB khẳng định dự án Luật trình và dự kiến thông qua tại Kỳ họp lần này là đáp ứng kịp thời yêu cầu đòi hỏi cấp bách của thực tiễn về bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, với thực trạng và tình hình đã và đang diễn biến phức tạp với nhiều loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở hiện nay.
ĐB Dương Khắc Mai bày tỏ tán thành cao với ý kiến tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tên dự thảo Luật là Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là toàn diện và đầy đủ. ĐB đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về quyền hạn đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm điều luật quy định cụ thể về quyền hạn về việc bố trí, sắp xếp lực lượng, thành viên tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở ở mỗi tổ tại mỗi khu vực đô thị nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, khu vực có địa hình chia cắt, khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị để phù hợp với vị trí địa lý, quy mô dân số.
ĐB Dương Khắc Mai đề nghị bổ sung thêm nội dung lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban Công tác Mặt trận trong việc xây dựng hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố về nội dung bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
ĐB Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đối với nam và nữ để đảm bảo tiêu chuẩn về thể chất, tình trạng sức khỏe để đáp ứng công việc.
ĐB đề nghị cân nhắc về việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phù hiệu, biển hiệu, huy hiệu vì nếu giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định như khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật thì một số địa phương khó bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ cho nhiệm vụ chi này. Mặt khác, cần thống nhất mức hỗ trợ mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong cả nước, tránh trường hợp mỗi địa phương thực hiện một mức.