Lâu nay, các phần tử cơ hội chính trị, chống đối cho rằng, Việt Nam không có dân chủ vì thực hiện chế độ nhất nguyên, nhất đảng nên “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và vì thế dẫn đến dân chủ hình thức hoặc mất dân chủ. Trong khi đó, các tổ chức nhân danh dân chủ phương Tây đã và đang tìm cách cổ suý “tiêu chuẩn nhân quyền” kiểu phương Tây vào Việt Nam, đồng thời tung tin bịa đặt với các luận điệu cho rằng: “Việt Nam thiếu văn hóa dân chủ, không có dân chủ, hạn chế quyền riêng tư của công dân”, “Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền con người”, “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội tức là theo chế độ đảng trị, bằng “đảng chủ”; “một đảng cầm quyền thì không thể có dân chủ, chỉ dẫn đến độc tài, độc trị”; “chế độ một đảng lãnh đạo, độc quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”; “chế độ nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền ở Việt Nam là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” dẫn đến ở Việt Nam không có dân chủ hoặc dân chủ hình thức”.
Đây là những luận điệu phản khoa học, hết sức nguy hiểm bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ, phát triển của đất nước, dân tộc. Thực chất luận điệu trên là muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, tiến tới thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để đi đến xóa bỏ định hướng XHCN ở nước ta. Vấn đề mấu chốt trong học thuyết “dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây cần áp dụng đối với Việt Nam” là xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với cách mạng Việt Nam. Như vậy, chiêu bài dân chủ thực chất là các thế lực thù địch nhằm phá hoại Đảng, Nhà nước và định hướng XHCN ở nước ta.
Trên thế giới hiện nay có ba chế độ dân chủ: Dân chủ tư sản, dân chủ nhân dân, dân chủ xã hội chủ nghĩa. Mỗi chế độ dân chủ nói trên đều có những thiết chế khác nhau, nhưng đều có những yếu tố chung: (1) Sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân (bao gồm tất cả thành viên xã hội); (2) bầu cử tự do và theo nhiệm kỳ bầu ra các cơ quan, người lãnh đạo đất nước; (3) quyền lực của nhà nước được chia làm ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỗi cơ quan trên có chức năng riêng: Hiến pháp và pháp luật được xem là tối thượng; các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được tôn trọng và bảo đảm.
Chế độ dân chủ sau Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là chế độ dân chủ Nhân dân hướng theo con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Một trong những đặc trưng của chế độ dân chủ ở Việt Nam là do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cầm quyền. Tuy nhiên, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc Hiến định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình; các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 4, Hiến pháp năm 2013).
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày càng hoàn thiện các quan điểm về dân chủ, nhân quyền, coi nỗ lực thể chế hóa, luật hóa quan điểm dân chủ, nhân quyền là yêu cầu bức thiết của phát triển. Năm 1998, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, khẳng định “phải phát huy quyền làm chủ của dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, mất dân chủ và nạn tham nhũng”. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 29/1998/NĐ-CP (đến năm 2003 thay thế bằng Nghị định số 79/2003/NĐ-CP) kèm theo Quy chế thực hiện dân chủ ở xã quy định về nội dung, phương thức, trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân. Năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn... Đây là các bước đi thống nhất, đồng bộ về chủ trương kết hợp hành động cụ thể tạo điều kiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Vấn đề một đảng hay nhiều đảng lãnh đạo, cầm quyền không phải là vấn đề mới và vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Về khách quan, vấn đề này phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước, mỗi đảng khi lên lãnh đạo, cầm quyền. Về chủ quan, nó phụ thuộc tương quan so sánh lực lượng giữa các giai cấp, các bộ phận trong một xã hội, mà mỗi nước có thể có một đảng hoặc nhiều đảng.
Đảng là tổ chức chính trị của giai cấp, mang tính chất giai cấp, là sự liên kết tự nguyện của những người cùng chí hướng và cùng quyền lợi. Bản chất của đảng chính trị chính là bản chất giai cấp mà đảng ấy đại diện. Lịch sử hiện đại đã chứng minh rằng, trình độ dân chủ và sự phát triển của đất nước không tỷ lệ thuận với sự gia tăng của số lượng đảng phái chính trị. Trong xã hội có sự phân chia giai cấp, mỗi giai cấp khác nhau có đảng khác nhau, thậm chí trong cùng một giai cấp cũng có thể có nhiều đảng khác nhau. Những đảng của cùng một giai cấp sẽ có cùng bản chất của giai cấp, có lợi ích gắn liền với giai cấp sinh ra nó, chúng chỉ khác nhau về hình thức tổ chức, phương thức hoạt động và những mục tiêu cụ thể mà không đối lập về bản chất.
Những đảng của các giai cấp khác nhau hoặc đối lập nhau thì không chỉ khác nhau về tôn chỉ, mục đích, phương cách hoạt động, nguyên tắc tổ chức mà còn đối lập về bản chất của đảng. Như vậy, sự đa đảng cũng có nhiều sắc thái khác nhau. Có hiện tượng đa đảng nhưng vẫn nhất nguyên chính trị, có hiện tượng đa đảng đồng thời là đa nguyên chính trị.
Quan điểm một đảng thì mất dân chủ, cản trợ sự phát triển, còn đa đảng đồng nghĩa với dân chủ, phát triển là luận điệu sai trái. Cho đến nay chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh điều này. Bởi đất nước có dân chủ hay phát triển không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay đa đảng mà phụ thuộc vào đảng cầm quyền đó có mang bản chất cách mạng, tiên phong hay không, có bảo vệ quyền và lợi ích cho đa số nhân dân lao động hay chỉ cho một bộ phận thiểu số người trong xã hội đó.
Thực tiễn cho thấy, dân chủ và sự phát triển của một nước không tỷ lệ thuận với số lượng các đảng mà quốc gia đó có. Vì thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, đa đảng nhưng vẫn mất dân chủ, vẫn là những nước nghèo, kém phát triển. Trong khi, nhiều quốc gia chỉ có một đảng lãnh đạo nhưng dân chủ được bảo đảm, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống nhân dân được bảo đảm, nhân dân cảm thấy hạnh phúc, ấm no và có vị thế trên thế giới. Vấn đề thuộc về bản chất của các đảng, lợi ích xã hội mà nó đại diện, bảo vệ; uy tín và năng lực tập hợp, liên kết, lãnh đạo các lực lượng xã hội cùng thực hiện mục tiêu chung của quốc gia - dân tộc. Nếu một đảng chỉ phục vụ cho lợi ích riêng của đảng mình, giai cấp mình thì đảng đó khó có thể được các giai tầng khác chấp thuận làm lực lượng lãnh đạo xã hội, lãnh đạo đất nước. Một đảng đại diện cho lợi ích của giai cấp, của nhân dân và dân tộc, vì dân vì nước mà hành động, chắc chắn sẽ được nhân dân suy tôn, ủy thác làm lãnh đạo. Điều đó là bằng chứng hùng hồn, là minh chứng khẳng định đa nguyên, đa đảng không phải là cứu cánh cho dân chủ và sự phát triển.
Điển hình như hiện nay, Armenia có khoảng 40 đảng, Hà Lan có 25 đảng, Na Uy có 23 đảng... nhưng rõ ràng chúng ta không thể kết luận Armenia dân chủ hơn Hà Lan hay Na Uy. Trên thế giới hiện nay có hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ theo chế độ một đảng. Điều đó cho thấy rằng, chế độ chính trị do một đảng cầm quyền không phải là đặc điểm chỉ có ở các nước XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo và không phải các nước theo chế độ một đảng không bảo đảm dân chủ, đất nước không phát triển.
Ngay trong chủ nghĩa tư bản, có những thời kỳ một số quốc gia và vùng lãnh thổ theo chế độ một đảng duy nhất cầm quyền vẫn bảo đảm dân chủ và phát triển mạnh mẽ. Điển hình như vào cuối những năm 1980, Singapore, Hàn Quốc... vẫn theo chế độ một đảng duy nhất cầm quyền nhưng đất nước vẫn phát triển mạnh mẽ và ngược lại, ở một số quốc gia đa đảng vẫn không thực hiện tốt dân chủ. Đồng thời, trong hệ thống chính trị đa đảng, tại một giai đoạn chính trị nhất định cũng chỉ có một đảng thực chất cầm quyền và thậm chí ngay cả trường hợp khi liên minh đảng cầm quyền để thành lập chính phủ, đảng nào chiếm số ghế nhiều hơn trong nghị viện sẽ có quyền quyết định trong các chính sách phát triển của đất nước. Ở một số quốc gia khác (điển hình là Mỹ), mặc dù có nhiều đảng nhưng chỉ có hai đảng luân phiên cầm quyền là Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ. Những đảng này đại diện cho giai cấp tư sản thì tất yếu phải hướng đến phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản chứ không thể là một “chính quyền của tất cả mọi người”.
Trải qua hơn 90 năm ra đời và lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn khẳng định được vị trí, vai trò không thể thay thế đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Những thành tựu to lớn và ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và Nhân dân Việt Nam đã khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, đó cũng là minh chứng rõ nét rằng bản chất của một nền dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay một đảng và đối với Việt Nam dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền dân chủ trong xã hội không những không bị mất đi, không bị hạn chế mà còn được bảo đảm, được phát huy sâu rộng trong thực tế.