Xã Long Sơn, huyện Đăk Mil là địa phương đầu tiên ở tỉnh Đăk Nông mở lớp xóa mù chữ cho người lớn. Nằm biệt lập ở cuối huyện, chủ yếu đồng bào DTTS phía Bắc sinh sống, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Xuất phát từ việc không biết chữ mỗi lần giao dịch thủ tục hành chính bà con thường lăn dấu tay điểm chỉ, bà con không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, không học hỏi được kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp.
Tháng 7/2013, được sự chấp thuận của UBND huyện Đăk Mil, UBND xã Long Sơn phối hợp với Trường Tiểu học Kim Đồng mở 3 lớp xóa mù chữ đầu tiên cho người lớn vào các buổi tối trong tuần, với hơn 100 học viên chủ yếu là phụ nữ dân tộc Tày, Nùng, Dao.
Nhớ lại những ngày đầu mở lớp, cô giáo Nguyễn Thị Thảo kể: Dạy chữ cho người lớn rất khó, riêng việc dạy cầm bút cũng đã mất rất nhiều thời gian. Để học viên tiêp thu tốt hơn chúng tôi phải làm lại giáo án cho phù hợp dựa trên chương trình giáo khoa lớp 1. Điều mừng là, các chị đều chịu khó đi học đều, tập trung cao nên tiếp thu rất nhanh. Kết thúc chương trình lớp 1, hầu hết đã đọc thông, viết thạo và biết tính toán.
Đến nay, xã Long Sơn vẫn duy trì các lớp học, xóa mù chữ cho hàng trăm người dân. Phong trào “bình dân học vụ” lan rộng đến các xã lân cận khác như Đăk Săk, Đăk N’Drót, Thuận An…
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)huyện Đăk Mil chia sẻ: Từ năm 2014 đến nay, Đăk Mil đã mở 15 lớp xóa mù chữ cho hàng trăm học viên đồng bào DTTS. Mục tiêu phấn đấu của huyện đến năm 2021 đạt chuẩn xóa mù chữ ở mức độ 2, nâng tỷ lệ người biết chữ phổ thông trong độ tuổi là 15-60 lên mức 95%.
Qua 5 năm, hàng chục học viên đã “tốt nghiệp” tự tin vì đã biết chữ, còn những học viên đang học thì chăm chỉ, hăng hái hơn. “Thời gian đầu vận động bà con đi học khó khăn lắm vì tâm lý e ngại và nghĩ mình già rồi học cũng chẳng để làm gì. Nhưng khi cả hệ thống chính quyền xã, thôn buôn vào cuộc, tổ chức nhiều đoàn đi vận động thì bà con cũng hiểu được lợi ích của việc biết chữ nên rủ nhau đến lớp ngày một đông hơn”.
Tại huyện Krông Nô phong trào xóa mù chữ cũng được đẩy mạnh. Riêng năm 2018, huyện tiếp tục mở 6 lớp xóa mù tại 3 xã Tân Thành, Nâm N’Đir và Nam Xuân. Năm 2017, lớp học xóa mù chữ cho bà con hai thôn Đăk Na và Đăk Rí, xã Tân Thành khải giảng tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc với hơn 100 học viên. Vì muốn mở một cửa hàng tạp hóa mà ngay khi có lớp học xóa mù chữ, vợ chồng ông Đặng Vần Cấn, trú thôn Đăk Na rủ nhau đi học.
“Từ trước tới giờ mình chỉ biết đếm tiền, chứ không biết đọc, viết hay tính toán con số. Tham gia lớp học mấy tháng, cả hai vợ chồng đã đọc thông, viết thạo và biết tính toán sơ sơ. Nếu lớp học còn tiếp tục mình sẽ theo học đến cùng để có đủ kiến thức mở cửa hàng tạp hóa như mong muốn”, ông Cấn chia sẻ.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Nô Bùi Văn Út cho biết: Ngành Giáo dục huyện mới triển khai các lớp xóa mù từ năm 2017, song đến cuối năm 2018 hai lớp xóa mù tại xã Nâm N’Đir bế giảng với hơn 100 học viên ra trường đã đọc thông, viết thạo và tính toán tốt. Các lớp xóa mù thường học vào buổi tối để tiện cho bà con tham gia. Mục tiêu của huyện là càng giúp người người biết chữ càng tốt. Quan trọng là sắp xếp thời gian học cho phù hợp mùa vụ để bà con có thời gian đến lớp và ôn bài nhiều hơn.
Phong trào học tiếp tục lan rộng đến các xã biên giới như xã Thuận An, huyện Đăk Mil, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức; xã Đăk Wil huyện Cư Jut.
Đăk Nông là tỉnh đông đồng bào DTTS sinh sống địa bàn vùng sâu, vùng xa, đời sống còn nhiều khó khăn tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 không biết chữ còn cao. Năm 2014, UBND tỉnh Đăk Nông phối hợp với Phòng GD&ĐT các huyện triển khai các lớp xóa mù chữ tại những khu dân cư có nhiều người dân chưa biết chữ. Từ đó, các lớp xóa mù chữ liên tiếp được mở ra, bà con Nhân dân nhiều địa phương phấn khởi đi học.
Tính đến tháng 12/2018 toàn tỉnh đã mở hơn 20 khóa học xóa mù chữ, mỗi khóa 35-50 học viên, hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho hàng ngàn học viên. Nhờ những lớp xóa mù này mà đồng bào các dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa biết đọc, biết viết, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nâng cao thu nhập.
LÊ HƯỜNG - QUỐC PHONG