Nặng lòng với văn hóa truyền thống dân tộc Mạ, già K’Tiêng ở bon N’Jiêng, xã Đăk Nia, TP. Gia Nghĩa là một trong số ít nghệ nhân nắm vững kiến thức về cồng chiêng và hiểu sâu sắc văn hóa của người Mạ.
Không chỉ đánh cồng chiêng giỏi, ông còn có tài chỉnh chiêng và chế tác nhiều nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa. Nhiều năm nay, già K’Tiêng dành nhiều thời gian truyền dạy đánh cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ trong bon. Ông được Trường DTNT N’Trang Lơng tại Gia Nghĩa mời truyền dạy đánh cồng chiêng cho giáo viên, học sinh của trường.
Còn già Y Bluêc Ktul, dân tộc Ê-đê ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut được cha mẹ để lại cho ngôi nhà dài trăm tuổi, với nguyên trạng các vật dụng như chiêng, ché lớn nhỏ, ghế chân dê, ghế kpan, trống bọc da trâu, nồi đồng… Đã có nhiều nhóm thương lái tìm đến hỏi mua ngôi nhà cùng những vật dụng, đồ dùng cổ với giá 1,6 tỷ đồng, nhưng già làng kiên quyết không bán, vì đó là tài sản vô giá để lại cho thế hệ sau.
Những năm qua, nhờ tâm sức của đội ngũ già làng, Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS bảo tồn văn hóa mà toàn tỉnh Đăk Nông vẫn bảo tồn được 186 bộ cồng chiêng; 194 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc; 12 nghệ nhân nhớ và hát kể sử thi; 301 nghệ nhân biết hát các làn điệu dân ca; gần 700 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống…
Ông Phan Đình Hiến, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông cho biết: Đảng, Chính quyền cùng các ngành chức năng tỉnh Đăk Nông đánh giá cao vai trò của già làng và Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Các già làng, Người có uy tín ở khu dân cư đã thực hiện tốt vai trò hạt nhân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa… Thông qua các buổi sinh hoạt thôn, bản, tổ dân phố, các già làng, Người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng con cháu xây dựng gia đình hạnh phúc; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc...