Ông có thể chia sẻ một số thông tin về những điều kiện, lợi thế trong việc phát triển loại cây trồng này thành ngành hàng chủ lực của địa phương?
Lợi thế trước hết là, Đắk Lắk có diện tích đất đỏ ba zan rộng lớn hàng trăm nghìn ha, cùng với thời tiết, khí hậu ôn hòa rất phù hợp với cây sầu riêng. Cũng chính thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi mà chất lượng sản phẩm sầu riêng Đắk Lắk được đánh giá cao, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Đó là những tiềm năng, lợi thế mà không phải vùng trồng sầu riêng nào cũng có được.
Đặc biệt nữa, chính vụ sầu riêng của Đắk Lắk lại thường rơi vào giai đoạn cuối vụ của sầu riêng Việt Nam, nên tránh được sự cạnh tranh với các địa phương khác trong nước, cũng như các nước có diện tích trồng sầu riêng lớn trên thế giới như Indonesia, Thái Lan về mùa vụ cao điểm. Đắk Lắk còn là địa phương phát triển sầu riêng sau các tỉnh miền Tây nên có kinh nghiệm về chọn cây giống, người trồng sầu riêng có trình độ thâm canh và kỹ thuật canh tác khá tốt...
Đó chính là tiềm năng, lợi thế riêng biệt để phát triển ngành hàng sầu riêng thành một trong những nông sản chủ lực. Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 28.625,2 ha sầu riêng, trong đó, diện tích cho thu hoạch hơn 10.000 ha. Sản lượng sầu riêng năm 2023 ước đạt 200.000 tấn.
Hiện nay sầu riêng Đắk Lắk được quy hoạch phát triển như thế nào, thưa ông?
Đắk Lắk đang là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước, cây sầu riêng được trồng tại 12/15 huyện với diện tích hơn 28.000ha, tăng hơn 6.000 ha so với cuối năm 2022. Về sản lượng sầu riêng cũng tăng đáng kể, năm 2016 sản lượng đạt 30.000 tấn, đến 2023 đã tăng lên gần 200.000 tấn.
Đến nay Đắk Lắk có 49 vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số, với tổng diện tích là hơn 2.000 ha, sản lượng hơn 45.000 tấn, chiếm 25% tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh. Hiện nay, Đắk Lắk đã gửi thông tin 133 mã vùng trồng với diện tích gần 2.900ha chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu.
Việc cấp mã số vùng trồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: chuẩn hóa quy trình chăm sóc, quản lý cây trồng, diện tích; nâng cao năng xuất, chất lượng cây trồng và trở thành "vé thông hành" cho việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, tiến tới các nước khác.
Để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, tỉnh Đắk Lắk đã có những kế hoạch gì để nâng cao giá trị sầu riêng, mở rộng thị trường tiêu thụ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng, chế biến sầu riêng?
Sầu riêng là loại nông sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh Đắk Lắk, chỉ đứng thứ 2 sau cà phê. Tuy nhiên, ngành hàng cà phê đã có mặt tại Đắk Lắk hàng trăm năm nay, còn ngành hàng sầu riêng lại mới phát triển ở Đắk Lắk vài năm trở lại đây. Chính vì thế, để phát triển bền vững ngành sầu riêng, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tìm những giải giải pháp căn cơ với các chiến lược lâu dài, làm "bệ đỡ" cho ngành sầu riêng vươn xa.
Đầu tiên, đó là tỉnh thúc đẩy nhanh việc thành lập Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, cũng chính là Hiệp hội sầu riêng đầu tiên của Việt Nam. Từ năm 2021, tỉnh Đắk Lắk cũng tích cực đẩy mạnh xây dựng Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng một cách bài bản. Cụ thể, tỉnh thuê đơn vị tư vấn uy tín, tổ chức khảo sát, tìm hiểu về sầu riêng để đánh giá các vùng nguyên liệu trong tỉnh, trong nước và học hỏi thu thập thông tin ở những nước chuyên canh sầu riêng lớn trên thế giới.
Đến nay, Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng đã cơ bản hoàn thành, và được đánh giá sát với thực tế; đề ra các giải pháp đảm bảo quy trình khép kín từ giống, vùng trồng nguyên liệu, đến tổ chức sản suất, quy trình sản xuất, đầu ra... Tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức cho những thành viên của Hội đồng thẩm định Đề án đi học tập kinh nghiệm ở nước có diện tích trông sầu riêng lớn.
Với vai trò, vị thế của ngành hàng sầu riêng, lực lượng chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng bố trí người chuyên trách để theo dõi, hỗ trợ hoạt các hoạt động của ngành hàng.Trước hết, tỉnh Đắk Lắk đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng ở các địa phương. Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk còn có chủ trương cho từng địa phương công bố nhãn mác, chỉ dẫn địa lý nhằm tăng giá trị và khẳng định thương hiệu quả sầu riêng Đắk Lắk.
Tỉnh cũng đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có các giải pháp để phía nước bạn Trung Quốc công nhận mã vùng trồng đối với sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê và các cây trồng khác. Diện tích vườn trồng xen sầu riêng khá lớn, chiếm hơn 1 nửa diện tích sầu riêng chung của cả tỉnh.
Bên cạnh đó, hiện nay sầu riêng Đắk Lắk mới chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc đối với quả tươi, trong khi sản phẩm sầu riêng chế biến cũng rất tiềm năng. Vì vậy, tỉnh cũng đã chủ động kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phía Trung Quốc, ngoài nhập khẩu quả sầu riêng, sẽ nhập hàng cấp đông quả, cấp đông tách múi.
Trân trọng cảm ơn ông!