Nhà rông làng Kon Teo (cũ) được xây dựng từ năm 1976, gắn với thời điểm lập làngLàng Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long có hơn 200 hộ, gần 100% là đồng bào Xơ Đăng sinh sống. Làng được thành lập năm 2019 trên cơ sở sáp nhập làng Kon Teo và làng Đăk Lấp. Chính vì thế, khi thành lập làng Kon Teo Đăk Lấp đã tồn tại 2 nhà rông truyền thống của đồng bào Xơ Đăng và việc sinh hoạt cộng đồng cũng được người dân duy trì theo phong tục tại các làng cũ.
Hiện tại, ngay bên cạnh nhà rông của làng Kon Teo (cũ) có một dãy phòng học để phục vụ công tác dạy học cho học sinh Mầm non và Tiểu học trong làng Kon Teo Đăk Lấp. Diện tích đất xung quanh nhà rông không còn nhiều, chính vì thế UBND xã Đăk Long muốn phá bỏ nhà rông, lấy đất để huyện đầu tư xây dựng thêm 2 phòng học. Nhưng chủ trương phá bỏ nhà rông không được người dân đồng thuận.
Điểm trường làng Kon Teo Đăk Lấp nằm bên cạnh ngôi nhà rông truyền thống của làng Kon Teo (cũ)Chị Y Tói, làng Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà cho biết: Việc xây dựng 2 phòng học cho các cháu học tập thì bà con cũng vui mừng, nhưng mong muốn xã lựa chọn vị trí khác, vì trong làng cũng có một số vị trí đất có thể xây dựng phòng học. Đừng nên phá bỏ nhà rông vì nhà rông gắn bó với dân làng mấy chục năm nay rồi.
Chị Y Ly Đanh, làng Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà cho biết thêm: Nhà rông này được xây dựng từ thời cha ông, chúng tôi không muốn phá bỏ nhà rông này, vì đó là giá trị văn hóa và ký ức của những người cao tuổi ở trong làng. Chúng tôi mong muốn xã lựa chọn vị trí khác để xây dựng phòng học, vì trong làng hiện cũng có 2 điểm trường nằm ở các vị trí khác.
Các cháu học sinh tại điểm trường làng Kon Teo Đăk Lấp vui chơi trước hiên nhà rông mà UBND xã Đăk Long muốn phá bỏ để huyện xây dựng 2 phòng họcTheo những người cao tuổi trong làng Kon Teo Đăk Lấp cho biết, sau ngày giải phóng, năm 1976, đồng bào Xơ Đăng sống gần rừng mới kéo nhau về lập làng Kon Teo (cũ) ở vị trí hiện nay và nhà rông truyền thống cũng hình thành từ đó. Trải qua nhiều lần dân làng tự sửa chữa, nhà rông vẫn vững vàng giữa làng và được xem là trái tim, là linh hồn của làng.
Ông A Yon, già làng làng Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà cho biết: Dân họ nói là nếu ông già mà đồng ý phá nhà rông thì mình không có cơm ăn đâu, có làng thì phải có nhà rông, nên cả làng nó buồn lắm. Dân mình mong muốn được giữ lại nhà rông truyền thống của làng Kon Teo (cũ) để bà con sinh hoạt, không ai đồng ý phá bỏ nhà rông để xây dựng 2 phòng học.
Ông A Yon (bên phải), già làng làng Kon Teo Đăk Lấp và dân làng mong muốn được giữ lại ngôi nhà rông làng Kon Teo (cũ), vì nhà rông gắn với thời điểm lập làng năm 1976 và được xem là linh hồn của làngNgày 26/3/2025, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà có Quyết định số 439 “phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Trường TH&THCS xã Đăk Long. Hạng mục xây mới 2 phòng học điểm trường thôn Kon Teo Đăk Lấp và các hạng mục phụ trợ khác”. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Hà. Tổng mức đầu tư là 1 tỷ 367 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh phân cấp hỗ trợ có mục tiêu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn hợp pháp khác. Hiện nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đã thực hiện xong công tác đấu thầu, ký hợp đồng với nhà thầu nhưng chưa có mặt bằng nên không thể thi công.
Ông Hoàng Công Ái, Chủ tịch UBND xã Đăk Long, huyện Đăk Hà cho biết: Năm 2024, xã xin một phần kinh phí của huyện để giải phóng mặt bằng của nhà rông nằm ở vị trí làng Đăk Lấp (cũ), thời gian tới nâng cấp nhà rông để người dân Kon Teo Đăk Lấp cùng tham gia sinh hoạt tại 1 chỗ và giao mặt bằng chỗ nhà rông làng Kon Teo (cũ) để làm phòng học, trước họp thì bà con đã nhất trí, giờ thì bà con không nhất trí. Nếu bà con không đồng ý và không làm được phòng học thì dừng, trả lại vốn.
Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho rằng đã họp thôn và người dân đồng ý phá bỏ nhà rông làng Kon Teo (cũ) để làm phòng học. Tuy nhiên, theo người dân cho biết có họp thôn nhưng không nghe nói việc phá bỏ nhà rông làng Kon Teo (cũ) để làm phòng học. Chỉ nghe xin vốn sửa chữa lại nhà rông ở làng Đăk Lấp (cũ).
Tại buổi họp với lãnh đạo UBND xã Đăk Long nhiều người dân không đồng ý với chủ trương phá bỏ nhà rông xây dựng năm 1976 mà nên lựa chọn vị trí đất khác để xây dựng 2 phòng học Đối với đồng bào DTTS ở Kon Tum đã có làng là phải có nhà rông và nhà rông được xem là linh hồn của làng. Nhà rông bao quát mọi tinh hoa văn hóa sáng tạo của con người trong môi trường sinh thái tự nhiên, vừa hùng vĩ vừa tiềm ẩn những yếu tố tâm linh. Tỉnh Kon Tum cũng đã có nhiều Nghị quyết về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có bảo tồn nhà rông truyền thống của đồng bào DTTS.
Vì vậy, điều mà người dân ở làng Kon Teo Đăk Lấp mong muốn là được giữ lại ngôi nhà rông làng Kon Teo (cũ) và người dân sẽ sửa chữa lại để sinh hoạt, bởi đây là ký ức gắn với ngày lập làng và chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong đó. Đồng thời, mong muốn chính quyền địa phương quan tâm phối hợp cùng dân làng để lựa chọn vị trí đất mới xây dựng 2 phòng học phục vụ cho việc học tập của con em.