Anh Phàng A Lớ, cán bộ Văn hóa xã Pà Cò dẫn chúng tôi đi tham quan vòng quanh xã và ghé vào gia đình chị Sùng Y Chư tại xóm Chà Đáy. Sau khi được anh A Lớ trao đổi bằng tiếng Mông, chị Chư cởi mở chia sẻ về công việc làm giấy của mình. Chị cho biết, nguyên liệu làm giấy được lấy từ cây giang và phải lựa những cây giang “bánh tẻ”. Cây giang được chẻ nhỏ, nấu cùng tro bếp và vôi bột khoảng một đêm, sau đó cho vào tải và thùng ủ. Đến khi giang mềm thì đem ra đập nát rồi lọc lấy nước, vớt các thứ xơ bỏ ra ngoài. Nước giang (bột giấy) được hoà vào nước sạch, đảo đi, đảo lại cho đến khi bột tan hết. Thân giang chỉ còn lại những sợi nhỏ li ti, lúc đó có thể bắt đầu làm giấy.
Chị Chư dẫn chúng tôi đến thùng ủ giang, dùng que khuấy vào thùng, bỏ chất xơ. Sau đó, từ khung màn đóng sẵn, chị múc từng gáo bột giấy và dàn đều trên mặt vải. Đây là khâu tương đối khó, đòi hỏi người làm giấy phải có kinh nghiệm để có được tờ giấy đẹp, chất lượng.
Khi bột giấy đã dàn đều, chị Chư dựng khung nghiêng theo hướng ánh nắng mặt trời để phơi giấy cho khô. Giấy khô thì gỡ mép giấy trước, sau đó lột cả tờ giấy lên, vậy là hoàn thành việc làm giấy giang. Giấy làm bằng giang có độ mịn cao, màu vàng tươi đẹp mắt.
Theo anh Phàng A Lớ, giấy giang có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa người Mông, do đó ở xã, hầu như phụ nữ Mông nào cũng biết làm nghề này. Giấy giang được dùng trong các ngày lễ Tết, thờ cúng, đám hiếu... Giấy giang được dùng để treo lên tường ở giữa nhà, có gắn ít lông gà trống lên đó sẽ là bàn thờ để cúng tổ tiên. Vào dịp Tết đến Xuân về, người Mông lại thay giấy giang mới. Những mảnh giấy giang được cắt nhỏ ra dán vào các góc nhà, cột nhà, những vật dụng trong nhà với ý nghĩa niêm phong, mừng tuổi, kết thúc năm cũ, đón chào năm mới.
Hiện nay, nhiều gia đình làm giấy giang để phục vụ cuộc sống hằng ngày bởi giấy giang rất tốt, có độ dai và có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Nhiều gia đình sản xuất giấy giang để tạo ra thu nhập ổn định. 1 tờ giấy giang có giá từ 20 - 30 ngàn đồng. Hiện, ở Pà Cò có khoảng 20 phụ nữ chuyên làm để bán cho các địa phương khác và chuyển xuống Hà Nội.
Tại Homestay A Páo (ở xã Pà Cò), hàng loạt các vật dụng sinh hoạt được gia chủ trang trí bằng giấy giang rất đẹp mắt như tranh, đèn lồng. Giấy giang còn được sử dụng để trang trí những chai rượu, bàn ăn… Đây cũng là một điểm nhấn, tạo nên không gian văn hóa đặc sắc dân tộc Mông tại Homestay này.
Còn tại mô hình Nhà bảo tồn văn hóa Mông tại xã Pà Cò, giấy giang được sử dụng dán tường rất độc đáo.
Nghề làm giấy giang là một tri thức dân gian đặc sắc, việc gìn giữ và phát huy nghề làm giấy giang chính là góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc Mông.