Gọi là “xóm”, nhưng thực chất đây là các khu phòng trọ tồi tàn, thiếu thốn mà người bệnh thuê để ở trong quá trình chạy thận lâu dài. Có những người mới chuyển đến vài tháng, nhưng cũng có người đã gắn bó ở đây hàng chục năm. Để có tiền sinh hoạt hàng ngày, những bệnh nhân, ngoài thời gian vào viện điều trị, thì cũng phải bươn chải nhiều nghề, từ nhặt ve chai, bán mớ rau trồng được trong khu trọ... kiếm từng nghìn lẻ để rau cháo qua ngày.
Bà Lành Thị Vương, dân tộc Nùng ở xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương, ở khu trọ này đã hơn 5 năm nay. Bà Vương cho biết: Cách đây 5 năm, khi thấy cơ thể mệt mỏi, bà đến bệnh viện huyện khám, thì được các bác sĩ kết luận bà bị suy thận và cách điều trị là phải chạy thận nhân tạo.
Tuy nhiên, tại bệnh viện huyện thì chưa có máy móc để thực hiện kỹ thuật điều trị này, nên bắt buộc bà phải ra bệnh viện tỉnh để điều trị. Cuộc sống vốn đã có nhiều khó khăn, khi phải xa nhà điều trị dài ngày, khó khăn lại nhân lên gấp bội đối với những bệnh nhân như bà.
“Ở mãi bây giờ cũng thành quen rồi. Mà không quen thì cũng phải cố chấp nhận thôi, vì bệnh này không phải chữa khỏi được, mà phải sống chung với nó. Để có tiền sinh hoạt hàng ngày, tôi cũng tận dụng ít đất trống trong khu trọ trồng thêm cây rau mang đi bán, ngày cũng kiếm thêm được vài nghìn”, bà Vương tâm sự.
Kế bên phòng trọ của bà Vương, là phòng trọ của chị Triệu Thị Tam, dân tộc Dao, ở xã Điện Quan, huyện Bảo Yên. Chị Tam về khu trọ này đã được hơn 1 năm nay. Chị Tam bảo, dù khó khăn, nhưng cũng phải chấp nhận thuê trọ để điều trị lâu dài, chứ nếu cứ đi về thì rất tốn kém, rồi sức khỏe cũng không bảo đảm. Để có thêm đồng tiền ít ỏi phục vụ sinh hoạt hàng ngày, ngoài thời gian vào viện chạy thận, chị Tam tranh thủ đi nhặt ve chai dọc các tuyến đường gần khu trọ.
“Cũng chẳng được nhiều, ngày được vài nghìn để mua mắm, mua muối ăn qua ngày. Sức khỏe không có nên cũng chẳng làm được việc nặng để có thu nhập”, chị Tam chia sẻ.
Ở xóm trọ này, chẳng có ai vui hơn ai, cũng không có ai buồn hơn ai. Bởi họ đều mang trong mình bệnh tật, hoàn cảnh gia đình thì cũng chẳng ai khá giả hơn ai. Chính vì vậy, họ dễ chia sẻ, cảm thông với nhau hơn. Vui cùng nhau, cười cùng nhau, rồi có khi thức cùng nhau mỗi khi cơn đau của bệnh tật hành hạ.
Mỗi khi ai có người thân tới thăm gửi chút quà, thì đó cũng là niềm vui của cả xóm. Họ chia cho nhau những món quà mà vật chất thì ít, mà giá trị tinh thần thì nhiều, để vơi đi những đau đớn của bệnh tật, những cô đơn của số phận.
Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai hiện nay đang điều trị cho gần 200 bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân ở các huyện trong tỉnh chiếm quá nửa. Mỗi tuần người bệnh sẽ phải nhập viện 3 lần để chạy thận. Do tình trạng sức khỏe mỗi người bệnh khác nhau, nên việc ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong phác đồ điều trị luôn được Bệnh viện đặc biệt quan tâm.
“Đến lịch điều trị là phải có mặt, nên nhiều bệnh nhân Tết vừa rồi họ cũng không được về quê ăn Tết với gia đình. Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ với người bệnh, những ngày lễ, Tết, lãnh đạo bệnh viện, cán bộ nhân viên trong Khoa, cũng đã vận động các nhà hảo tâm, và đóng góp của cán bộ nhân viên tới thăm hỏi, tặng các bệnh nhân những phần quà tuy nhỏ, nhưng là nguồn động viên để người bệnh yên tâm điều trị”, Bác sĩ Lê Thị Kim Thành, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai chia sẻ.
Sống chung với bệnh tật, cuộc sống như 'ngọn đèn trước gió" chẳng hẹn trước tương lai, nên hầu hết những bệnh nhân ở “xóm chạy thận” này đã bình thản, chấp nhận cuộc sống hiện tại. Họ xem xóm trọ là mái nhà thứ hai và hàng ngày cùng nhau sẻ chia khó khăn, nỗi đau đớn bệnh tật, nỗi cô đơn xa nhà…; động viên nhau để bước tiếp những tháng ngày khó khăn phía trước.