Ngoài chữa bệnh, đồng bào DTTS về Hà Nội còn để mưu sinh. Khi cái Tết cận kề, nhiều người trong số họ không kịp về ăn Tết nhưng họ vẫn có nhiều cách làm ý nghĩa để quên đi nỗi nhớ nhà. Ở số báo này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục thông tin đến bạn đọc về những mảnh đời khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau ở xóm công nhân là người DTTS giữa lòng Hà Nội.
Muôn nẻo đường mưu sinh
Đi đến đầu xóm trọ, chúng tôi gặp Cà Thị Xoa đang giặt quần áo. Xoa năm nay 22 tuổi, mái tóc được nhuộm vàng, ép thẳng giọng nói khá lưu loát, thoạt đầu chúng tôi cũng không biết cô là người DTTS. Chỉ khi cô phát “sóng ngắn” với một người trong xóm mới nhận ra cô là người Thái ở Chiềng La, Thuận Châu, Sơn La.
Xoa tâm sự: “Em vốn là người miền núi, chả đi đâu ra khỏi đất của chiềng của bản. Thế rồi khi em lấy chồng có 1 cậu con trai, thì chồng em bỏ nhà đi. Em đành về nhà bố mẹ đẻ. Nhà có 7 anh chị em nhưng đều lập gia đình và ở riêng, ruộng cấy không đủ nên cũng phải chịu cảnh bữa đói, bữa no.
Thế rồi, trong một lần từ Thuận Châu, đưa con ra TP. Sơn La khám bệnh. Trên xe, Xoa gặp mấy chị lớn tuổi cũng người Thái kể chuyện đang đi làm thuê ở Hà Nội. Họ nói không cần tay nghề, chỉ cần chịu khó làm theo hướng dẫn của những người đi trước là được. Đồng bào với nhau, chỉ qua câu chuyện tình cờ trên một chuyến xe mà tin nhau. Xoa về gửi con cho bố mẹ rồi theo mấy chị gặp lần đầu tiên đi xuống Hà Nội.
Xoa kể: “Đây là chuyến đi xa và dài nhất trong cuộc đời em. Khi trên ôtô em lo lắm, chẳng biết những người phụ nữ mới quen kia nói có thật không? Nhưng rồi lại tự động viên mình, thôi thì người vùng cao chúng mình không nói dối nhau, cứ đi theo họ, họ làm gì mình làm đó, ăn gì mình ăn đó, tối ngủ đâu mình cũng ngủ đó, chứ biết làm sao bây giờ. Rất may khi về xóm Gò này, Xoa được người trong xóm Gò bao bọc, tìm việc làm trong quán cơm bụi. Ngoài kiếm miếng ăn hằng ngày, Xoa còn có tiền lương gửi về nhà nuôi con.
Cách nhà Xoa không xa, Mùa A Đông (19 tuổi) nhà ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Đông kể: Năm 2004, bố mẹ bỏ nhau, mẹ nuôi em trai và đi đâu Đông cũng không biết. Rồi bố cũng bỏ đi, Đông bơ vơ đành phải sang nhà chú ruột ở. Rồi đời Đông bắt đầu những chuỗi ngày đi làm thuê, bằng tất cả sức lực của mình. Đời cứ quăng từ nương cà phê này sang đồi cà phê khác, cũng được bữa đói bữa no. Rồi Đông cũng quen với những người đi làm thuê ở Hà Nội, xin đi theo họ xuống làm thợ sắt ở những công trình xây dựng chung cư. “Em không biết chữ nên cứ đi làm thuê thôi”, Đông nói.
Hơi ấm nơi xóm trọ nghèo
Xóm trọ của người DTTS tuy chật chội, thiếu thốn nhưng họ luôn động viên nhau, cuộc sống cũng vì thế mà vui hẳn lên. Khi chúng tôi đang trò chuyện ngoài xóm, thì trong căn nhà cạnh đó, bỗng vang lên tiếng nhạc réo rắt của miền núi. Rồi những tiếng hát bằng tiếng dân tộc thiểu số cất lên giữa thị thành rất cuốn hút.
Lần theo tiếng hát ấy, tôi bước vào căn phòng trọ của một tốp thợ người DTTS. Căn phòng chưa được 30m2 nhưng có đến hơn 10 người quây quần. Xung quanh là nồi niêu, bát đũa, quần áo, cả một ống điếu cày còn đang hút dở.
Gặp chúng tôi họ nở một nụ cười rất thân thiện chào lại. Giàng A Chứ, “ca sĩ” vừa cất tiếng hát cho chúng tôi biết, phòng trọ của anh có hơn 10 người đều là người DTTS, họ từ nhiều nơi như Hà Giang, Sơn La tụ họp về đây làm đường giao thông. Vì việc của họ làm vào ban đêm, nên ban ngày họ ở nhà. Buổi sáng mọi người ngủ bù, chiều lại tụ họp nói chuyện cho khuây khỏa nỗi buồn.
Anh Chứ tâm sự: Do năm nay các anh phải tăng ca nên không biết có kịp về quê ăn Tết hay không, nhớ nhà, nhớ vợ và các con lắm nhưng biết làm sao?. May là gần đây, mọi người trong xóm “phát minh” ra cách hát karaoke mới nên cũng vơi bớt nỗi buồn. Gọi là hát karaoke cho sang, chứ dụng cụ chỉ có một chiếc mic kèm loa cầm tay, giá hơn 200 ngàn rồi kết nối với điện thoại nhìn màn hình mà hát. Mọi người hát đủ các bài, đủ thứ tiếng như tiếng Mông, người hát tiếng Thái, tiếng Tày vui lắm.
“Cuộc sống của những người ở xóm Gò tuy có vất vả, thiếu thốn, nhất là phải sống xa người thân, xa bản làng, nhưng nếu sống ở quê nhà không có việc làm, không có đất sản xuất sẽ không biết sống ra sao. Ở thành phố có rất nhiều việc làm, miễn là phải chăm chỉ, chịu khó là có thể kiếm được tiền; ngoài chi phí ăn ở, mọi người còn có tiền để gửi về cho gia đình”, anh Chứ chia sẻ.
Có lẽ vì những lý do như vậy, mà ở cái nơi nghèo nàn này, những người DTTS vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Không chỉ vậy, nhiều mối tình đã nảy nở ngay trên nơi đất khách quê người. Đôi vợ chồng Đường Văn Út và Hà Thị Vui thẹn thùng kể lại “chuyện tình” của mình.
Anh Út là người dân tộc Thái ở Yên Bái năm nay 25 tuổi, cái tuổi này ở quê anh đã bị coi là ế vợ. Anh lang bạt đi khắp nơi đi làm thuê đến đầu năm 2017 thì trôi dạt về xóm trọ nghèo. Tại đây, anh gặp chị Vui, cùng người dân tộc Thái ở Hòa Bình cũng sàn sàn tuổi nhau. Cứ mỗi lần đi làm về lại đùa nhau bằng tiếng Thái. Thế rồi “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, họ đã nên duyên vợ chồng. Cuộc sống tuy còn nhiều vất vả nhưng đứa con mới ra đời là tài sản lớn giúp họ tiếp tục hành trình mưu sinh nơi thành thị này.
Một mùa Xuân nữa lại về, trong xóm Gò năm nay, sẽ có những người vì cuộc sống mưu sinh không kịp về quê ăn Tết với người thân, nhưng chắc chắn rằng, với bản chất cộng đồng, chân chất, tinh thần lạc quan của những con người sinh ra và lớn lên, được hòa mình với thiên nhiên, họ sẽ luôn dành cho nhau sự đồng cảm, chia sẻ, cùng nhau xua đi nỗi nhớ nhà mênh mang.
HIẾU ANH