Hỗ trợ để giảm nghèo
Cách đây gần 20 năm, ngày 12/3/2003, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc (CTDT). Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng ta về CTDT trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đánh giá, sau hơn 15 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là từ khi có Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) miền núi, tình hình miền núi và vùng đồng bào DTTS có bước chuyển biến quan trọng. Tuy nhiên, nhìn chung kinh tế ở miền núi và các vùng đồng bào DTTS còn chậm phát triển; tỷ lệ đói nghèo ở nhiều vùng còn cao…
Tại thời điểm đó, thu nhập bình quân đầu người ở vùng DTTS chỉ đạt xấp xỉ 271 nghìn đồng/người/năm; trong khi thu nhập bình quân của cả nước là 356,8 nghìn đồng/người/tháng. Kết quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2002 do Tổng cục Thống kê tiến hành đã cho thấy khoảng cách chênh lệch về mức sống rất lớn giữa các vùng trên cả nước.
Bởi vậy, Nghị quyết 24-NQ/TW yêu cầu tập trung thực hiện tốt chính sách dân tộc (CSDT); trong đó ưu tiên đầu tư phát triển KT - XH các vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhiệm vụ cấp bách được đặt ra trong Nghị quyết 24-NQ/TW là đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo; nâng cao mức sống của đồng bào DTTS, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng cũng đầy tự hào khi Nghị quyết 24-NQ/TW xác định, CTDT và thực hiện CSDT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị. Để từ đó, một hệ thống chính sách hỗ trợ khá toàn diện, bao trùm trên mọi lĩnh vực đã được ban hành, với mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chỉ tính giai đoạn 2011 - 2018 đã có 205 chính sách được ban hành; tính đến tháng 10/2020, có 118 chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các chính sách tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo; phát triển sản xuất trong nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển giáo dục - đào tạo, văn hóa… Từ năm 2003 đến năm 2020, Nhà nước đã tập trung bố trí đầu tư, hỗ trợ kinh phí để phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó giai đoạn 2003 - 2008 là khoảng 250 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 690 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 998 nghìn tỷ đồng.
Nhờ vậy, vùng đồng bào các DTTS và miền núi đã có sự phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt so với trước thời kỳ đổi mới, trên tất cả các phương diện: ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe, nghe, nhìn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3,5%/năm…
Đầu tư để phát triển
Công tác giảm nghèo ấn tượng của vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần đưa nước ta hoàn thành mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trước thời hạn 10 năm. Tuy nhiên, giảm nghèo thật sự chưa bền vững khi mà tỷ lệ tái nghèo, nghèo phát sinh ở địa bàn này vẫn là thực trạng cấp bách. Một phần nguyên nhân là do các chính sách giai đoạn trước chủ yếu mang tính chất hỗ trợ.
Bước vào giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quan điểm phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được bổ sung. Trong Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị khóa XII đã xác định, các chính sách phát triển KT - XH, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS.
Quan điểm đầu tư để phát triển bền vững vùng được cụ thể hóa tại các Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019, Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt Đề án Tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (gọi tắt là Chương trình mục tiêu quốc gia).
Ngày 14/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện giai đoạn I: 2021 – 2025. Quyết định số 1719/QĐ-TTg là một quyết sách lớn, là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Kết luận số 65/KL-TW và các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019, Nghị quyết số 120/2020/QH14.
Trước đó, ngày 28/01/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chiến lược CTDT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những quan điểm của Chiến lược là phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng các DTTS, hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam thịnh vượng.
Việc chuyển trọng tâm sang đầu tư phát triển là thời cơ mới cho lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT, là bước đột phá cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để giải quyết triệt để các vấn đề cấp bách. Khi vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, là yếu tố nền tảng để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để hoàn thiện thể chế về lĩnh vực CTDT, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Sau khi được phê duyệt, Nghị định sửa đổi, bổ sung về CTDT sẽ là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhất để định hướng tổ chức thực hiện hệ thống CSDT thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.