Tham dự phiên họp có các thành viên Ban Chỉ đạo trung ương các Chương trình MTQG; lãnh đạo một số bộ ngành; điểm cầu tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Về phía Ủy ban Dân tộc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr tham dự tại điểm cầu trung ương.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư tại cuộc họp cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, cơ quan Trung ương đã tập trung xây dựng, ban hành 68/73 văn bản quản lý điều hành, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG trên cả nước; 52/52 địa phương được phân bổ ngân sách trung ương đã ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn để thực hiện chương trình; 14/52 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn; 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo cấp tỉnh, một số địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện và kiện toàn, thành lập Ban quản lý cấp xã.
Về kết quả giải ngân vốn, tỷ lệ hiện nay còn rất thấp. Tuy nhiên, một số địa phương sau khi hoàn tất công tác giao vốn đã tập trung triển khai thực hiện và có kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương đạt khá như Tây Ninh (74,55%); Lạng Sơn (26,1%); Hậu Giang (21,5%); Hà Nam (39,1%); Vĩnh Long (47,57%); Thái Nguyên (17%).
Về giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương, có 46/63 địa phương báo cáo đã cân đối, bố trí hơn 13.800 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương thực hiện các Chương trình MTQG; 18/63 địa phương báo cáo kết quả giải ngân vốn khoảng 4.000 tỷ đồng, ước đạt 29,38% vốn địa phương.
Về kết quả xây dựng nông thôn mới, tính hết tháng 9 cả nước có 5.854 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 71,2%; 925 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025, trung bình mỗi năm duy trì mức giảm từ 1-1,5%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quản lý tổ chức thực hiện các chương trình chậm so với tiến độ được giao; Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư hầu hết chưa hoàn thành; Việc điều chỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2022 của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm.
Những khó khăn vướng mắc này dẫn đến tình trạng chậm phân bổ, giao kế hoạch và tổ chức thực hiện 3 Chương trình MTQG tại các địa phương. Nhiều địa phương phản ánh khó có thể hoàn thành việc giải ngân vốn trước ngày 31/12/2022 và đề nghị kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn sang năm 2023.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố đã phát biểu, phân tích nguyên nhân việc giải ngân vốn chậm, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các tiểu dự án của 3 Chương trình MTQG; đồng thời đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Chính phủ đặt mục tiêu rất cao, quyết tâm lớn về giải ngân vốn đầu tư công nói chung và 3 Chương trình MTQG nói riêng trong năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình cả nước đạt thấp, riêng 3 Chương trình MTQG còn chậm.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trong tháng 10/2022 phải ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành 5 văn bản để hướng dẫn thực hiện các tiểu dự án, dự án thành phần của các chương trình. Các tỉnh, thành khẩn trương triển khai giải ngân vốn đầu tư công, tránh chờ văn bản.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả.
Đặc biệt, các địa phương khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn các dự án thuộc Chương trình MTQG.