Hầu hết các bản làng ở huyện Hướng Hóa đều có người biết cách làm men lá truyền thống. Trong đó, xã Thuận và xã Thanh là những nơi hiện nay vẫn còn nhiều người gìn giữ và phát triển nghề làm men lá độc đáo. Bà Pỉ Nhung, ở bản 7, xã Thuận là người làm men lá để cung cấp cho các lò nấu rượu trên địa bàn đã gần 40 năm nay. Bà cho biết, men để nấu rượu của người Vân Kiều nơi đây được chế biến chủ yếu từ các loại cây rừng như: Sa nhân, cao khỉ, mẫu thán, trinh nữ…
Kỹ thuật làm men cũng đòi hỏi nhiều công phu. Theo bà Nhung thì mỗi loại lá rừng để làm men đều là những vị thuốc dân gian có các công dụng như: Giải độc, thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa... Các loại lá rừng sau khi lấy về sẽ được tách phần lá và phần thân cây riêng ra. Phần lá sẽ được phơi khô còn thân cây thì cạo vỏ giã nhỏ trộn với bột nếp, vỏ trấu sau đó hong chín rồi vắt thành từng viên men, sau 5-7 ngày khi viên men đã khô, nhẹ đi thì dùng được.
Đối với bà Giã Liễu, bản 7, xã Thuận, nghề làm men lá cũng đã gắn bó với bà từ thời còn thiếu nữ cho đến tận bây giờ. Bà nói: “Hồi còn nhỏ tôi đã theo mẹ vào rừng tìm những loại lá, dược liệu về để làm men nấu rượu. Làm men lá phải có kinh nghiệm, phải hiểu hết các loại cây rừng và biết chọn thời điểm hái lá, rễ và cây rừng thì làm men rượu mới ngon. Nói chung hồi đó hầu như ai trong bản cũng biết làm men nấu rượu, nhưng ngày nay số người hiểu biết và làm men càng ít dần. Hiện tôi đang tiếp tục theo nghề và truyền lại bí quyết cho lớp trẻ để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông”.
Theo bà Giã Liễu, nấu rượu men phải rất công phu và đòi hỏi sự khéo léo. Gạo nấu cơm rượu và ủ men phải là gạo nếp, được vò sạch. Gạo được cho vào hôông để nguội rồi trộn với men, cho vào chum ủ từ 7-10 ngày, sau đó mới chưng cất thành rượu. Quá trình chưng cất phải dùng củi đun đều lửa, không cho cháy to quá cũng không nhỏ quá để rượu ra từ từ. Rượu men lá của người Vân Kiều-Pa Kô khi uống có hương vị ngọt mát, đậm đà dù cho nồng độ khá cao nhưng lại rất dịu dàng, êm ái. Rượu dù uống say đến đâu thì vẫn cứ sảng khoái, nhẹ nhõm. Đó là một đặc điểm rất quý của rượu men lá của đồng bào nơi đây.
Chị Hồ Thị Bươm, thôn A Ho, xã Thanh cho biết: muốn nấu ra được rượu ngon thì phải tuân thủ đầy đủ các bước từ lúc chọn men lá cho đến quá trình nấu rượu. Trong đó, các yếu tố như thời gian ủ men, củi nấu, độ lửa, cách thức tách rượu đều phải làm đúng trình tự, không được bỏ qua khâu nào. “Có những bí quyết riêng không thể chia sẻ ra ngoài được nhưng tôi và nhiều người khác sẽ nỗ lực để truyền dạy lại cho con cái hiểu biết để duy trì nghề quý của người xưa. Bởi đây cũng là nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của người dân tộc Vân Kiều-Pa Kô không thể để mai một được”, bà Bươm giãi bày.
Ngày nay, dù đã có nhiều loại đồ uống khác nhau, song đặc sản rượu men lá vẫn được người Vân Kiều-Pa Kô ở huyện Hướng Hóa lưu giữ và phát triển trong văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Với họ rượu men lá không những là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ hội mà còn là quà quý biếu khách đến thăm như một món quà đậm đà hương vị quê hương, chứa đựng tình người, được lưu giữ qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ vùng cao.
ĐỨC VIỆT