Hiệu quả từ mô hình cô đỡ thôn bản
Thực hiện Dự án “Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản”, từ năm 2006 đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã cử 45 cô đỡ thôn bản là người đồng bào DTTS đi đào tạo chuyên môn tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh).
Với những kiến thức được học, từ năm 2007 đến nay, các cô đỡ thôn bản của tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện khám thai cho 3.650 người, đỡ đẻ tại nhà cho 237 ca, tham gia đỡ đẻ tại trạm y tế được 390 ca, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà sau khi sinh trong tuần đầu 778 người. Ngoài ra, các cô đỡ thôn bản còn tham gia tư vấn, vận động phụ nữ tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình...
Bác sĩ Huỳnh Thăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Hầu hết các cô đỡ đều thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, khám thai, đỡ đẻ đúng kỹ thuật, tư vấn tốt về chế độ dinh dưỡng và kiến thức tự chăm sóc sức khoẻ cho người dân tại địa phương của mình; đồng thời thường xuyên thông tin hai chiều với các trạm y tế cơ sở về số trẻ sẽ sinh, sẽ tiêm chủng trong tháng... rất hiệu quả”.
Chị Chamaléa Thị Thém ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) là một trong những cô đỡ thôn bản tiêu biểu. Tháng 5/2007, khi Ban quản lý Dự án “Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản” tỉnh Ninh Thuận thông báo cử đi học nghiệp vụ cô đỡ thôn bản tại Bệnh viện Từ Dũ, Chamaléa Thị Thém nhận lời ngay.
Chị Thém tâm sự: “Sau lần chứng kiến một sản phụ tử vong do tập quán sinh nở tại nhà, em ước mơ trở thành một bác sĩ để chữa bệnh, cứu người. Ước mơ chưa đạt, nhưng em cũng trở thành một cô đỡ thôn bản, giúp đỡ rất nhiều người dân địa phương.
Từ hiệu quả hoạt động của các cô đỡ thôn bản đã đào tạo, năm 2011 tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tuyển chọn đào tạo thêm 30 cô đỡ thôn bản là người DTTS, huyện Bác Ái có 14; Ninh Sơn 7; Thuận Bắc 5; Thuận Nam 3 và 1 cô của huyện Ninh Hải.
Cũng theo bác sĩ Huỳnh Thăng Sơn, thuận lợi của các cô đỡ thôn bản đó là người địa phương nên việc tuyên truyền, vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, cách phòng, chống dịch bệnh rất hiệu quả, nhờ đó tỷ lệ sản phụ bị tai biến, nhiễm trùng hậu sản, trẻ em bị uốn ván ở địa phương đã được hạn chế.
Tìm giải pháp hỗ trợ cô đỡ thôn bản
Xác định vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản, từ năm 2009, Bộ Y tế đã làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản. Theo đó, “Mỗi thôn, bản được bố trí từ 1 đến 2 nhân viên y tế, căn cứ vào quy mô dân số và địa bàn hoạt động. Trong thời gian công tác, nhân viên y tế thôn, bản được hưởng phụ cấp hàng tháng; mức phụ cấp bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung”.
Đồng thời Bộ Y tế đã ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 07/2013/TT-BYT ngày 08/3/2013 quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản. Đây là những văn quản quy phạm pháp luật quan trọng, làm cơ sở cho các địa phương áp dụng thực hiện.
Từ Thông tư trên, nhiều năm qua, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã phát huy cao vai trò, trách nhiệm của các cô đỡ thôn bản trong công tác chăm sức sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tuy nhiên, ngày 24/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, trong đó có quy định “Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 người, được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với 3 chức danh gồm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác mặt trận. Người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 3 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có).
Từ Thông tư này, hầu hết cô đỡ thôn bản ở các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã bị cắt mất khoản phụ cấp hàng tháng do Nhà nước chi trả. Không còn được hưởng phụ cấp phụ cấp hàng tháng, các cô đỡ thôn bản gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng DTTS theo đó cũng bị ảnh hưởng.
Theo Tiến sĩ Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ & Trẻ em (Bộ Y tế), hiện nay tỷ lệ tử vong sau sinh ở khu vực miền núi, DTTS còn cao, chiếm đến 70-80% tử vong trẻ dưới 1 tuổi, 50-60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi trong cả nước. Tỷ lệ bà mẹ tử vong khi sinh con tại vùng DTTS và miền núi cũng cao gấp 2-3 lần so với cả nước. (Cụ thể, ở cấp quốc gia, cứ 100.000 đứa trẻ sinh ra thì có 46 ca (là bà mẹ) tử vong. Tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỷ lệ này là 100 - 150 ca mẹ tử vong. Tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7 - 8 lần so với dân tộc Kinh, Tày).
Hiện tại, Bộ Y tế đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về giải pháp thực hiện chính sách đối với nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản với nội dung: Duy trì bảo đảm mỗi thôn, bản có từ 1 đến 2 nhân viên y tế thôn bản đã được đào tạo hoạt động phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế ở địa phương; những nơi còn khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cần bố trí 1 cô đỡ thôn bản để thực hiện hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Thực hiện chính sách bồi dưỡng hằng tháng đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản tối thiểu bằng mức theo quy định tại Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Tại nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi khi xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã đưa nội dung chính sách hỗ trợ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản vào Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Từ nguồn kinh phí của Chương trình này, các cô đỡ thôn bản ở vùng cao sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.