Mỗi xã một sản phẩm là một Chương trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thí điểm từ năm 2008, với mô hình và tên gọi “Mỗi làng một sản phẩm”. Đến năm 2013, một số tỉnh, thành phố đã chủ động áp dụng thực hiện để triển khai phát triển ngành nghề tại địa phương. Trong đó, Quảng Ninh được xem là địa phương có bước chuyển mạnh mẽ và trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai Chương trình một cách sâu rộng, bài bản. Từ chỗ chỉ có 40 sản phẩm và 30 đơn vị tham gia Chương trình, đến nay Quảng Ninh đã phát triển thành gần 300 sản phẩm và hơn 200 đơn vị tích cực tham gia.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh). Cả nước có hơn 4.700 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 5 nhóm sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm có hơn 2.500 sản phẩm, hơn 1.000 sản phẩm đồ uống, 230 sản phẩm thảo dược, gần 600 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP. Đến nay, đã có một số bộ, ngành và 60/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng đề cương, 30 tỉnh lập xong đề án và đã có 4 tỉnh (Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Nam) phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2018-2020.
Tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, khi phát triển làng nghề, vùng đồng bào DTTS sẽ có rất nhiều lợi thế bởi đây là vùng đất giàu tiềm năng, thế mạnh, vùng có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp độc đáo, đa dạng văn hóa.
Là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ để các sản phẩm của đồng bào DTTS phát triển chuỗi giá trị, hòa nhập chung vào dòng chảy khởi nghiệp quốc gia, vươn xa ra thị trường thế giới. Đây cũng là một “mắt xích” vô cùng quan trọng trong phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc ra đời chương trình OCOP sẽ là điều kiện thuận lợi để sản phẩm vùng đồng bào DTTS phát triển.
Mới đây, chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, một điểm quan trọng trong Chương trình OCOP, đó là phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, là một lợi thế rất lớn của các địa phương, nơi có sự đa dạng đặc biệt lớn về địa lý, bản sắc văn hóa dân tộc, các sản vật vùng miền.
Triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là chủ trương đúng. Nhưng điều quan trọng Chương trình cần đi vào thực chất, lựa chọn được những sản phẩm lợi thế, người dân phải được hưởng lợi. Và nhất là phải tránh bệnh hình thức, phong trào…
THANH HUYỀN