Chiều 17/5, tại tỉnh Champasak, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới thăm trường Dân tộc nội trú tỉnh Champasak - ngôi trường được xây dựng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam từ năm 1999 dành cho học sinh là con em các dân tộc Lào tại 4 tỉnh phía Nam Lào.
Trường Dân tộc nội trú tỉnh Champasak hiện có hơn 900 học sinh, thuộc 14 dân tộc.
Lãnh đạo, Ban Giám hiệu nhà trường bày tỏ vinh dự được đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến thăm nhân chuyến thăm chính thức Lào, thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Quốc hội dành cho nhân dân Lào nói chung và cho thầy và trò học sinh nhà trường nói riêng.
Lãnh đạo nhà trường cho biết, Trường Dân tộc nội trú tỉnh Champasak là quà tặng của Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho nhân dân các dân tộc Lào tại 4 tỉnh phía Nam Lào, thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai nước.
Hiện, nhà trường có một giáo viên là người Việt Nam đang giảng dạy tiếng Việt cho các em học sinh.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng và xúc động được đến thăm tỉnh Champasak - mảnh đất trù phú và giàu truyền thống cách mạng ở cực Nam của Lào và đến thăm các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh của nhà trường.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao thành tựu và sự phát triển của nhà trường trong hơn 20 năm qua, đã góp phần đào tạo được rất nhiều con em các dân tộc Lào tại 4 tỉnh Nam Lào và đạt được nhiều thành tích rất tốt trong dạy và học.
Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua nhưng nhà trường đã làm tốt công tác phòng, chống dịch và duy trì hoạt động dạy và học.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Việt Nam và Lào hiện đều đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhất là về kinh tế, nhưng hai Đảng, hai Nhà nước vẫn ưu tiên, tập trung nhiều nguồn lực cho công tác giáo dục, đào tạo để phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Đảng và Nhà nước Việt Nam và Lào đều xác định giáo dục là vấn đề chiến lược, quốc sách hàng đầu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói vì sự nghiệp 10 năm thì trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người.
Với các em học sinh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, được học tập trong một môi trường rất khang trang, sạch đẹp với sự dạy dỗ, dìu dắt của các thầy giáo, cô giáo rất tâm huyết, yêu nghề là cơ hội rất tốt để các em có điều kiện rèn luyện, trang bị cho mình những kiến thức nền tảng để tiếp thu kiến thức ở trình độ cao hơn, từ đó góp phần xây dựng quê hương Champasak và đất nước Lào xinh đẹp.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ rất vui mừng khi được biết trong số các thầy cô giáo đang giảng dạy ở trường có một cô giáo đến từ Việt Nam, đã dành hàng chục năm tuổi thanh xuân gắn bó và dạy tiếng Việt cho các em học sinh, thiết thực góp phần củng cố và phát triển tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Nhà trường cùng với hệ thống giáo dục đào tạo của tỉnh Champasak nói riêng và đất nước Lào nói chung tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, giáo dục, truyền thông để các thế hệ trẻ và mãi mãi về sau luôn trân quý, gìn giữ và phát huy mối quan hệ có một không hai trên thế giới giữa Việt Nam và Lào, mối quan hệ mẫu mực thuỷ chung, trong sáng, sống chết có nhau, vui buồn có nhau, “hạt gạo cắn đôi cọng rau bẻ nửa” - di sản vô cùng quý giá do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kayson Phomvihane và Chủ tịch Suphanuvong và rất nhiều các thế hệ lãnh đạo của hai nước đã dày công vun đắp.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn các thầy cô và các em luôn ghi nhớ và phát huy di sản vô giá này của hai dân tộc.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao quà tặng các học sinh học giỏi tiếng Việt của trường; tặng nhà trường sách, trang thiết bị trường học trị giá 320 triệu đồng.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới thăm Công ty cao su Việt-Lào, thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam hiện đang trồng cao su tại Lào, đảm bảo cho gần 2.500 lao động là người các dân tộc Lào có cuộc sống ngày một đầy đủ, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội huyện Bachiang nói riêng và tỉnh Champasak (Lào) nói chung./.