Lấy nhau đã gần 10 năm, có với nhau 3 đứa con nhưng tài sản của vợ chồng Vừ Mí Chơ và Sùng Thị Mỷ chỉ là căn nhà tạm chật hẹp và một vài vật dụng sinh hoạt thường ngày. Những ngày đầu năm, cái rét ngọt lùa qua 4 vách gỗ khiến ngôi nhà vợ chồng Chơ-Mỷ lúc nào cũng phải đỏ lửa.
“Đốt lửa giữ ấm cho bọn trẻ. Nhưng lạnh không sợ bằng mưa đâu. Có những đêm trời chuyển bão, cả nhà không ai dám ngủ vì lo nhà sập, có lần bị gió thổi tốc mái, nước mưa làm ướt hết chăn màn, cả nhà phải trùm bạt qua đêm”, Mỷ chia sẻ.
Không chỉ riêng gia đình Mỷ, mà thôn Sả Lủng có tới gần chục hộ đang sống trong cảnh nhà tạm. Cách nhà Mỷ vài nóc nhà là gia đình anh Vàng Mí Pó, 14 năm nay chưa thể thoát cảnh nhà tạm, cả nhà 7 miệng ăn trông chờ vào hơn 10kg ngô giống trồng một vụ nên mỗi năm chỉ tích cóp được một ít tiền dùng để sửa chữa lại nhà.
Anh Vừ Mí Pó, Trưởng thôn Sả Lủng cho biết, ở nơi thâm sơn cùng cốc này thiếu thốn trăm bề, muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo không phải chuyện dễ. Cái nghèo ở Sả Lủng không chỉ là do dân trí thấp mà một phần do canh tác lạc hậu, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; đất sản xuất ít, đồng bào phải địu từng gùi đất lên các triền núi cao, bỏ vào hốc đá để trồng ngô một vụ.
Chia sẻ thêm thông tin về Sả Lủng, ông Lý Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Pải Lủng, nói: Đây là thời điểm bà con ở Sả Lủng chuẩn bị đất để trồng ngô vụ Xuân. Cả năm chỉ trông chờ vào vụ này, còn các vụ khác người nông dân gần như không thể trồng được cây gì. Bởi nếu có trồng cây ngô thì bắp ngô không kết hạt; cây cỏ chăn nuôi cũng bị táp lá vì lạnh. Mùa Đông kéo dài kèm theo thiếu nước nên nhà nào cũng chỉ biết chăm cho con bò, con lợn khỏi bị chết rét. Do vừa chăm sóc gia súc, vừa phục vụ bữa ăn hằng ngày nên ngô trên gác bếp vì thế mà vơi dần, hộ nào không phải cứu đói lúc giáp hạt đã là may mắn lắm! Vì thế có tiền làm nhà là điều gần như không tưởng.
Được biết, xã Pải Lủng là xã ĐBKK, 97% dân số là đồng bào DTTS. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước về Chương trình 167 hỗ trợ xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, toàn xã đã có trên 110 hộ được xóa nhà tạm. Nhưng kể từ năm 2013, khi chương trình dừng lại thì xã vẫn còn 34 hộ nghèo có hoàn cảnh ĐBKK, không có khả năng tài chính xóa đi những căn nhà tạm bợ.
Vì vậy mà mấy năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã trình cấp trên cân đối ngân sách giúp xã hỗ trợ bà con xóa nhà tạm, nhà dột nát. Xã cũng rất mong nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm để giúp người dân không còn nỗi lo khi mùa mưa bão và mùa Đông về.
TÙNG NGUYÊN