“Lỗ hổng” y tế trong doanh nghiệp
Theo Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Nghị định số 39/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ thì, các doanh nghiệp (DN) đều phải tổ chức bộ phận y tế. Tùy theo tính chất ngành nghề, quy mô sử dụng lao động (LĐ) mà các DN phải có cán bộ y tế hoặc Trạm Y tế để quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Cụ thể, luật quy định, với DN sử dụng dưới 300 LĐ, thì phải có 1 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp; sử dụng từ 300 đến dưới 500 LĐ, thì phải có 1 bác sĩ/y sĩ và 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp; sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 LĐ thì phải có 1 bác sĩ và mỗi ca làm việc phải có 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp.
Đặc biệt, với DN sử dụng từ 1.000 lao động trở lên, thì phải thành lập cơ sở y tế theo hình thức tổ chức phù hợp quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, số DN bố trí cán bộ y tế chuyên trách để quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người LĐ tại chỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đơn cử tại Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có 1.729 DN. Theo thống kê của các cơ quan quản lí y tế, tổng số người làm công tác y tế tại DN chỉ 289 người, trong đó có 28 bác sĩ và bác sĩ y học dự phòng, còn lại là điều dưỡng, y sĩ…
Ngoài ra, số lượng DN thực hiện báo cáo y tế lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng chiếm tỷ lệ thấp. Trong năm 2020 – năm đầu tiên chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, trong 1.729 DN trên địa bàn tỉnh có 241 DN thực hiện báo cáo y tế lao động, chiếm 13,9%.
Đó là chưa kể trong 241 DN có thực hiện báo cáo y tế lao động, thì chỉ 173 DN có thực hiện quan trắc môi trường lao động tại cơ sở; chỉ có 127 đơn vị thực hiện khám sức khỏe định kì cho người lao động. Đáng chú ý hơn, trong 241 DN có báo cáo y tế lao động thì 70 cơ sở có yếu tố có hại.
Chưa xem người lao động là tài sản quý
Không riêng Bắc Ninh, mà “lỗ hổng” y tế trong DN đang là thực trạng đáng báo động tại hầu hết các địa phương, nhất là ở những địa bàn tập trung các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn. Điều này cho thấy, đại bộ phận DN nhỏ và vừa do chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi của người lao động. Lý giải nguyên nhân, đại diện nhiều DN đưa ra lý do khó khăn, nguồn vốn hạn chế, thiếu quỹ đất nên chưa đầu tư đúng mức cho bộ phận y tế…
Nhưng thực tế phải nhìn nhận, “lỗ hổng” này xuất phát từ việc không ít DN còn xem nhẹ công tác bảo đảm ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe cho công nhân; thậm chí có tình trạng biết luật nhưng cố tình “lách luật”, chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động và nhận thức đúng về vai trò của bộ phận y tế trong DN.
Ở góc độ quản lý, tình trạng “trắng” cán bộ y tế lao động ở các DN cũng chưa được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm điều chỉnh. Một thực tế chứng minh là, hiện chưa có cơ quan, đơn vị chức năng nào thực hiện thống kê số lượng các DN có cán bộ y tế hoặc ký hợp đồng với cán bộ y tế tại cơ sở y tế địa phương để chăm sóc sức khỏe cho người lao động, dẫn đến việc kiểm tra, đôn đốc và xử lý vi phạm về vấn đề này còn bỏ ngỏ.
Để khắc phục “lỗ hổng” cán bộ y tế trong DN – nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thiết nghĩ các cấp chính quyền, ngành chức năng và chủ doanh nghiệp cần nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của công tác y tế,cũng như việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe của người lao động; đồng thời quan tâm chú trọng công tác đào tạo, tuyển dụng và xây dựng mạng lưới y tế DN ngày càng lớn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, trước hết cần xác định, việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động là trách nhiệm, nghĩa vụ không phải chỉ của Nhà nước, mà còn của người sử dụng lao động và cả xã hội. Các doanh nghiệp cần căn cứ vào quy mô sản xuất, quy mô lao động và nguồn lực của đơn vị để xây dựng, đầu tư bố trí bộ phận y tế hoặc ký hợp đồng với nhân viên y tế cơ sở theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
Thực tế cho thấy, chỉ khi nào người sử dụng lao động tuân thủ việc bố trí cán bộ y tế lao động thì người lao động tại nơi làm việc mới có cơ hội được hưởng những quyền lợi hợp pháp theo pháp luật.