Lộc Bình là một huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Nam tỉnh Lạng Sơn với 6 dân tộc chủ yếu cùng chung sống bao gồm: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Sán Chỉ, Hoa. Trong đó dân tộc Tày chiếm hơn 57,46% dân số toàn huyện.
Huyện Lộc Bình nằm trong khu vực có địa hình đồi núi cao, khí hậu lạnh nên rất phù hợp với giống cây thông Mã vĩ. Với hơn 80.000ha diện tích đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng của Lộc Bình đạt 64%, trong đó, có tới 51% diện tích đất có rừng là cây thông mã vĩ.
Trong những năm qua, nghề khai thác nhựa, chăm sóc, bảo vệ rừng thông đã trở thành một mô hình kinh tế mang tính đặc thù, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, phủ xanh đất trống đồi trọc. Từ một huyện nghèo khó, sản xuất manh mún, Lộc Bình giờ đây đã từng bước chuyển mình vươn lên.
Bản Quầy là 1 trong 5 bản giáp biên của xã Bắc Xa. Bản có 18 hộ thì 17 hộ hiện đã xây nhà lớn trị giá hàng tỷ đồng.
Ông Hoàng Văn Sáu ở bản Quầy cho biết: “Tất cả các hộ dân trong bản đều trồng thông. Mỗi nhà trồng từ 40-60ha. Gia đình tôi trồng hơn 40ha. Chỉ tính riêng năm 2022, nhà tôi bán nhựa thông thu được hơn 200 triệu đồng. Ngôi nhà của tôi xây dựng năm 2017 hết 1,4 tỷ đồng. Năm ngoái tôi mua thêm chiếc xe ô tô 700 triệu đồng. Tất cả đều từ thông mà ra”.
Ông Sáu kể: Ban đầu, gia đình ông chỉ trồng vài trăm gốc. Sau đó, mỗi năm trồng thêm một ít. Cây thông chỉ mất công chăm sóc năm đầu, chủ yếu là phát cỏ, khoảng 10-15 năm sau sẽ cho khai thác nhựa. Không chỉ cho nhựa mà gỗ thông cũng được giá. Gia đình ông từng bán hơn 2.000 cây thông già cỗi, thu được 500 triệu đồng.
Là một trong những hộ đầu tiên trồng thông ở Bắc Xa, ông Kỳ Dùng Phú, bản Mạ nhớ lại: “Khi chưa có cây thông, người dân trong bản chỉ trồng ngô và lúa, ăn cũng không đủ. Năm nào Nhà nước cũng phải hỗ trợ gạo cứu đói. Đến khoảng năm 1990, khi BĐBP Lạng Sơn triển khai dự án trồng rừng 661 đưa cây thông đến với nơi đây, cuộc sống của người dân mới khấm khá lên.
“Trồng cây này không bao giờ lo lỗ. Cuộc sống của chúng tôi thay đổi rất nhiều. Nhờ có cây thông, đời sống của chúng tôi ấm no, hạnh phúc hơn trước đây cả trăm lần”, ông Phú phấn khởi cho biết
Xã Bắc Xa hiện có 11.000ha trồng thông trên diện tích 15.000ha đất tự nhiên. Trung bình, mỗi hộ dân trồng khoảng 20-30ha, một số hộ trồng nhiều lên tới 60ha. Cây thông chăm sóc tốt khoảng 12 năm sẽ khai thác nhựa được. Thời gian khai thác khoảng 10-20 năm. Trong nhiều năm qua, thông là cây mang lại thu nhập chính cho người dân trong xã.
Ông Nông Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Xa cho biết: “Bắc Xa giàu lên nhờ trồng thông. Thu nhập bình quân đầu người của chúng tôi hiện đạt 43 triệu đồng/người/năm. Đến nay, số hộ nghèo trong xã giảm xuống còn 15 hộ, tương ứng 4,8%. Chúng tôi cũng đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ năm 2019”.
Trong vòng 15 năm qua, gia đình anh Trịnh Văn Tuấn ở xã Yên Khoái đã nhận tổng cộng hơn 5 ha đất ở hai khu đồi để trồng cây thông Mã vĩ lấy nhựa, trung bình mỗi một héc ta trồng 1.650 cây thông. Hơn 8.000 cây thông Mã vĩ được gia đình anh trồng lần lượt từ năm 2008. Đến nay, hơn một nửa đã thu hoạch được mủ. Thời điểm thuận lợi, mỗi cây thông có thể cho khoảng 6kg nhựa/năm. Theo giá hiện nay ở địa phương, 1kg nhựa thông có giá giao động từ 30.000 - 35.000 đồng.
Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hơn trăm triệu đồng từ thu hoạch mủ thông. Cuộc sống từ đó bớt khó khăn, gia đình cũng có của ăn, của để.
Bà Hoàng Thị Giang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái cho biết: Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ khai thác nhựa thông, lãnh đạo huyện Lộc Bình đã xác định cây thông Mã vĩ là cây trồng chủ lực để xóa đói, giảm nghèo và phổ biến cho Nhân dân trên địa bàn nói chung và ở Yên Khoái nói riêng để phát triển kinh tế đồi rừng. Nhờ thực hiện hiệu quả mô hình này, đời sống của nhiều hộ dân Yên Khoái đã có chuyển biến tích cực, giúp tăng thêm thu nhập xóa đói, giảm nghèo.
Quảng Trị: Nuôi bò 3B - mô hình sinh kế hiệu quả