Tiềm năng cần được đánh thức
Cao Bằng được coi là cái nôi của Cách mạng Việt Nam. Toàn tỉnh có 92 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, đó là: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó; Rừng Trần Hưng Đạo và địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An.
Ngoài ra, Cao Bằng còn có Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen… và Công viên Địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận. Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng địa phương chưa khai thác tối đa hiệu quả để phát triển kinh tế - du lịch, đời sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (diễn ra hồi tháng 10/2020), ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng; chúc mừng kết quả, thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. "Tuy nhiên, Cao Bằng vẫn là một tỉnh khó khăn trong khu vực và nằm trong tốp cuối của cả nước. Tốc độ phát triển còn chậm so với tiềm năng; thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với cả nước; chất lượng nhân lực còn thấp, dân trí chưa đồng đều... Công tác phát triển đảng viên ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, trình độ dân trí chưa đồng đều, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn... đang là những cản trở lớn cho sự phát triển của tỉnh...”, ông Võ Văn Thưởng cũng đã nhìn nhận vấn đề về địa phương.
Vậy câu hỏi đặt ra với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng là sẽ phải làm gì để tỉnh thoát nghèo, vươn lên phát triển toàn diện?
Nỗ lực của hệ thống chính trị
Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng về công tác dân tộc, nhất là tại vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tình hình mới. Để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện quyết liệt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc; ưu tiên những vấn đề thiết yếu của vùng đồng bào DTTS. Theo đó, các chính sách dân tộc như: Chương trình 135, Quyết định 755, Quyết định 18… đã được quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Đơn cử, giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn Chương trình 135 và các chính sách dân tộc, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư gần 1.500 tỷ đồng xây dựng 1.170 công trình giao thông, điện và nước sạch phục vụ sinh hoạt, công trình thủy lợi. Đồng thời, thực hiện các Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ người dân giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, máy móc thiết bị…
Cùng với đó, công tác phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; chính sách đối với Người có uy tín được thực hiện đầy đủ, từ đó góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) triển khai trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2030 (Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình xây dựng nông thôn mới), ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ban ngành Trung ương có các văn bản triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG.
Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; HĐND tỉnh Ban hành Nghị quyết Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện các Chương trình được hiệu quả.
Điểm sáng ở vùng khó
Bảo Lâm là huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, có nhiều “cái nhất”, đồng bào DTTS đông nhất (chiếm 99%), xã có tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất. Chỉ tính riêng xã Khánh Xuân, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 49%, 5/13 xóm có đường ô tô đến tận bản nhưng chủ yếu là đường đất. Tuyến đường đi các xóm vùng cao chủ yếu là đường mòn, dốc đá cheo leo phải đi xe máy, thậm chí đi bộ nhiều giờ mới đến nơi. Xã còn tới 8/13 xóm vùng cao chưa có điện lưới quốc gia.
Từ nguồn vốn Chương trình 135, Chương trình 30a, huyện Bảo Lâm đã được hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng, đầu tư xây dựng các công trình, hạ tầng cơ sở như: đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch…
Từ những thành quả đó, huyện Bảo Lâm tiếp tục triển khai nhiều chính sách dân tộc hỗ trợ đồng bào DTTS như: Chính sách cho hộ nghèo vay vốn hỗ trợ đất sản xuất theo Quyết định số 2085/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; Nghị quyết số 48/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, đa dạng hóa sinh kế cho người dân... tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển toàn diện .
Anh Hoàng Văn Minh, dân tộc Dao, xóm Bản Búng, xã Yên Thổ chia sẻ: Trước đây, cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn, nhờ được vay vốn từ ngân hàng chính sách để nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, đến nay, gia đình tôi duy trì nuôi 10 - 15 con trâu, bò, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Vừa qua, gia đình anh tiếp tục vay hơn 45 triệu đồng theo Nghị quyết số 48/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, và được hỗ trợ 50% lãi suất để tiếp tục mở rộng sản xuất. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng ổn định, khá giả.
Tương tự, trước đây đồng bào Mông ở xóm Lũng Đắc, xã Quốc Phong sống rải rác ở trên các sườn núi, điều kiện hạ tầng vô cùng thiếu thốn. Trước tình hình đó, từ nguồn vốn của các chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS, huyện đầu tư 2,5 tỷ đồng thực hiện dự án khu hạ sơn xóm Lũng Đắc để giúp đồng bào có cuộc sống ổn định.
Đầu năm 2017, dự án được hoàn thành, 15 hộ đồng bào Mông ở xóm Lũng Đắc được chuyển cư về ở trong những ngôi nhà mới, với diện tích 75 m2/nhà, phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào. Bà con rất vui mừng, phấn khởi yên tâm lao động sản xuất.
Nói về hiệu quả của việc triển khai chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng khẳng định: Những năm qua, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách dân tộc, của trung ương và địa phương, vùng miền núi, DTTS của tỉnh Cao Bằng đã có nhiều đổi thay mạnh mẽ.
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm 3,9%/năm; 98,17% dân số tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có 99,4% là người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% đường trục liên xã được thông tuyến; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 40%…
“Kết quả này tạo tiền đề và động lực mạnh mẽ cho việc triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”, Trưởng ban Dân tộc Bế Văn Hùng nhấn mạnh.