Đã có người tử vong
Bệnh nhân Bùi Văn S. (dân tộc Mường, 51 tuổi, ở Hòa Bình) là một trong những nạn nhân của căn bệnh quái ác này. Vào khoảng đầu tháng 6/2019, ông S có 1 vết xước ở chân kèm theo sốt cao. Gia đình đưa ông đến khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, được chẩn đoán là nhiễm trùng huyết. Điều trị ở đây 12 ngày không khỏi, gia đình đã chuyển ông đến khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây các bác sĩ làm nhiều xét nghiệm, hội chẩn và kết luận ông mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có tên là Whitmore.
“Sau hơn 1 tuần nhập viện, bệnh nhân vẫn xuất hiện tình trạng sốt cao liên tục 39-400C, khó thở tăng lên phải hỗ trợ hô hấp, thở ô-xy. Ngoài ra, bệnh nhân có thêm ổ áp xe lan rộng, ăn vào xương gây viêm xương... Có thời điểm, gia đình đã nản vì tình trạng sức khỏe ông S. suy sụp và kinh tế gia đình kiệt quệ nên xin cho bệnh nhân về. Song, các y, bác sĩ vẫn quyết tâm thuyết phục gia đình và kiên trì cứu chữa cho bệnh nhân. Rất may sau đó 2 tháng, bệnh nhân đã thuyên giảm và được xuất viện”, bác sĩ Đỗ Duy Cường cho biết thêm.
Mới đây (10/9), một nữ bệnh nhân quê Thanh Hóa nhập viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch. Nữ bệnh nhân bị biến dạng khuôn mặt vì bị vi khuẩn Whitmore “ăn” mất cánh mũi.
Theo PGS.TS bác sĩ Đỗ Duy Cường, Whitmore là một bệnh rất hiếm gặp. Gần 60 năm nay hầu như không xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, riêng tại Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 20 ca nhiễm căn bệnh này. Đặc biệt, trong tháng 8/2019, có 12 ca Whitmore nặng được chuyển đến, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ, trong đó có 4 ca đã tử vong.
Không thể chủ quan
Nói về căn bệnh này, TS. Trịnh Thành Trung, Trưởng nhóm nghiên cứu vi khuẩn, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh này cũng lây nhiễm qua đường ăn uống khi thức ăn nhiễm khuẩn, hoặc có thể truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa… Vi khuẩn này có nhiều nhất trong mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11.
Bệnh Whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore từ khoảng 40-60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.
Điều khó khăn hiện nay là bệnh Whitmore có các biểu hiện đa dạng phức tạp. Nhưng nhìn chung bệnh có 1 số triệu chứng như sốt, viêm phổi, xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí, nhiễm trùng đường tiết niệu…
Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng trên, bệnh nhân cần hết sức cảnh giác, phải đến ngay những bệnh viện uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm. Đối với bệnh nhân đã từng bị Whitmore, phải thường xuyên tái khám vì bệnh có khả năng tái phát cao, phải có sự kiên trì điều trị vì điều trị khỏi bệnh cần đến 6 tháng giống như bệnh nhân bị bệnh lao.
TS. Trịnh Thành Trung khuyến cáo, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất, bùn và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Trong quá trình làm việc, đi lại, nếu phải đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì rất dễ bị nhiễm bệnh. Do đó, người dân cần bảo đảm vệ sinh thân thể, đặc biệt là bàn tay bàn chân. Nếu tay chân dính bùn đất cần phải rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô trước khi muốn làm việc gì tiếp theo.
Hiện nay, Whitmore là căn bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Do đó những biện pháp phòng tránh trên mặc dù rất căn bản nhưng chúng ta không được chủ quan.
HIẾU ANH