Qua thảo luận, đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, cơ quan hữu quan theo sự chỉ đạo để nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, khảo sát thực tiễn, thu thập thêm nhiều thông tin hữu ích phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý, giải trình.
Các nội dung dự thảo luật đã kết tinh được công sức và trí tuệ của cả hệ thống chính trị và người dân; các ý kiến cơ bản nhất trí về bố cục, nội dung cụ thể của dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý và Báo cáo tiếp thu giải trình chỉnh lý dự thảo luật của UBTV Quốc hội; đồng thời đề nghị bổ sung các nội dung cơ bản liên quan.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định): Cần xem xét điều chỉnh hoạt động "vận tải thực hiện trực tiếp bằng động vật"
Quan tâm đến nội dung quy định tại Điều 56, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 56 có quy định về hoạt động vận tải đường bộ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ và xe cơ giới để vận tải người hoặc hàng hóa trên đường bộ. Nghĩa là dự thảo Luật chỉ điều chỉnh hoạt động vận tải bằng các loại xe là xe thô sơ và xe cơ giới, mà không điều chỉnh hoạt động vận tải được thực hiện trực tiếp bằng động vật.
“Trong Báo cáo 839/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ có giải thích ý kiến của ĐBQH về vấn đề này. Báo cáo dẫn chiếu tới Điều 35 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ gồm xe súc vật kéo. Tuy nhiên ý kiến của ĐBQH đề nghị là có cân nhắc điều chỉnh động vật trực tiếp vận tải trong dự thảo Luật này hay không?”, đại biểu Dũng nêu rõ.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, tại các miền núi phía Bắc, đồng bào vẫn dùng ngựa thồ để vận chuyển hàng hóa, giúp giải phóng sức người rất tốt. Đây cũng chính là một hình thức vận tải hàng hóa trên đường bộ. Do đó, đề nghị cần phải xem xét đưa hoạt động vận tải hàng hóa trực tiếp bằng động vật vào điều chỉnh trong dự thảo Luật này.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội): Làm rõ khái niệm đường khác thuộc hệ thống đường giao thông nông thôn
Quan tâm đến quy định về phân loại đường bộ theo cấp quản lý, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cho biết, tại khoản 1 Điều 8 về phân loại đường bộ theo cấp quản lý quy định: đường bộ theo cấp quản lý bao gồm: Quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã, đường thôn, xóm, đường đô thị, đường chuyên dùng và được xác định như sau:
Tại điểm d quy định đường thôn xóm là đường trong khu vực thôn xóm, bản, ấp và các điểm dân cư nông thôn, đường trục nối thôn xóm với khu vực sản xuất nông lâm nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh khác…Tại điểm e quy định đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính đô thị bao gồm đường cao tốc đô thị, đường phố, đường ngõ ngách, hẻm trong đô thị và các đường khác.
Còn tại Điều 5 của dự thảo luật quy định về quy hoạch mạng lưới đường bộ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống đường địa phương, đường đô thị. Trong đó, khoản 4 quy định về phương án phát triển đường tỉnh, đường huyện và các đường khác thuộc hệ thống đường giao thông nông thôn được xác định trong quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan. Phương án phát triển đường bộ đô thị được xác định trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị và các quy hoạch khác có liên quan.
Đại biểu đồng tình với đề xuất là đưa đường thôn xóm ở nông thôn và đường ngõ ngách, kẹt, hẻm ở đô thị vào phạm vi để thực hiện quản lý nhà nước, tuy nhiên cần làm rõ khái niệm đường khác thuộc hệ thống đường giao thông nông thôn quy định tại khoản 4 Điều 5 của dự thảo luật có bao gồm đường xã và đường thôn xóm được quy định tại Điều 8 hay không?
Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang): Cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông
Theo đại biểu, qua xem xét nội dung đang được rà soát, chỉnh lý tại Điều 6 về cơ sở dữ liệu đường bộ theo hướng chỉ quy định về dữ liệu quản lý hoạt động đường bộ đã được triển khai xây dựng trên thực tế, cùng với việc nghiên cứu nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 5 Điều 2, cơ quan quản lý đường bộ quy định về phân loại đường bộ theo cấp quản lý tại Điều 8, về phân loại đường bộ theo chức năng phục vụ tại Điều 9, trách nhiệm về quản lý Nhà nước về hoạt động đường bộ tại Điều 82, đại biểu Lê Minh Nam bày tỏ một số băn khoăn để Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm về quản lý, sử dụng tài sản công là công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ.
Đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công, các tài sản công là công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức giao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật. Các tài sản này phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa phải được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật, giá trị, phải được kiểm kê, đánh giá lại để theo dõi, quản lý báo cáo cũng như lđầu tư khai thác và bảo vệ, đảm bảo nguồn lực và tài chính để sử dụng. Riêng đối với công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ được đầu tư thông qua huy động các nguồn lực xã hội khác cũng phải được theo dõi, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản về các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Như vậy, đại biểu nhận thấy, việc xác lập cơ sở dữ liệu đường bộ hết sức rõ ràng, cụ thể và phân định trách nhiệm theo dõi, quản lý tổng thể, cụ thể và đầy đủ cả về hiện vật, giá trị, cả về đối tượng và nguồn lực sử dụng, cả về hiện trạng và quá trình quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, trong năm qua, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công nên hiện nay theo dõi chưa đầy đủ, cập nhật chưa kịp thời…
Do đó, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị cần sửa đổi, bổ sung về hình thức xử lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện cho phù hợp với đặc thù tài sản và thực tế hiện nay.