Hội thảo dành nhiều thời gian cho những tham luận về thân thế sự nghiệp Văn Cao, tác phẩm, tài năng, tư tưởng thiên tài... Bên cạnh đó, hội thảo còn là dịp để các nhà văn, nhà thơ, các chuyên gia ở mọi lĩnh vực đánh giá tính thời đại và sự bền vững của tác phẩm Văn Cao, đề cập đến dự báo về khả năng của Văn Cao với tính tiên tri trong âm nhạc.
Họa sĩ, nhà thơ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao bày tỏ niềm xúc động, lòng biết ơn Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ cùng các Hội chuyên ngành Văn hóa Nghệ thuật. "Chúng tôi nhìn cha như cây cao bóng cả. Ơn mẹ không chỉ như suối nguồn yêu thương, mà chính mẹ cũng là cái bóng lớn lao chia sẻ cả cho cha tôi, cho con cháu cả đời thụ hưởng yêu thương và cảm thông trước đức hạnh của mẹ. Chúng tôi luôn giữ gìn gương sáng cha mẹ và bảo nhau cố gắng noi gương cha để làm việc, để cống hiến các phần nhỏ bé về nghệ thuật cho cha vui lòng, cho mẹ an tâm, thì quả nhiên không dễ khi chúng tôi đã cố gắng hết mức “theo cha” nhưng chẳng bao giờ vượt qua cái bóng của người", họa sĩ Văn Thao xúc động nói.
Họa sĩ, nhà thơ Văn Thao cho biết thêm: Sau Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao, Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Việt Nam sẽ đẩy nhanh việc thành lập Viện nghiên cứu và Bảo tàng Văn Cao với tư cách pháp nhân và nhà tổ chức đa năng; tiếp tục tập hợp Kỷ yếu, hình ảnh, Video, kỹ thuật số liên quan đến thân thế sự nghiệp Văn Cao để bảo lưu bằng chính công trình của ông đang có và sẽ có; tiếp tục bảo trợ và tham gia tư vấn, thi công hạng mục chuyên môn, phối hợp các cấp chính quyền kêu gọi xã hội hóa đầu tư công trình văn hóa, nghệ thuật liên quan đến Văn Cao và mở rộng các công trình ý tưởng liên quan đến các Danh nhân Văn hóa Việt Nam.
Đồng thời, xây dựng Công viên văn hóa nghệ thuật Văn Cao tại quê hương xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định và đầu tư hoàn thiện Công viên văn hóa Danh nhân nghệ thuật Hải Phòng (trong đó có Văn Cao, vì Hải Phòng là nơi sinh của Văn Cao) với tư cách nhà đầu tư ý tưởng, nhà thiết kế và quy hoạch khả thi…
Họa sĩ Nguyễn Đức Chính bày tỏ sự thán phục trước người lắm tài như Văn Cao ở cả 3 lĩnh vực nhạc, thơ, họa. “Mặc dù sự nghiệp chính xuyên suốt cuộc đời ông là âm nhạc, song trong lĩnh vực hội họa ngay từ khi tuổi mới đôi mươi đã thành công rực rỡ, không ngừng tỏa sáng với những tác phẩm nổi tiếng như: “Cô gái và đàn dương cầm”, “Uống rượu vùng cao”, “Cô gái tuổi dậy thì”… cùng những tác phẩm ký họa cho các trang báo văn nghệ trong thời kỳ kháng chiến… và hòa bình lập lại sau này… Ở bình diện nào ông cũng đạt được đỉnh cao, với những chiêm nghiệm và cách tân mới”.
Họa sĩ Trịnh Yên - Trưởng Ban Tổ chức chương trình hội thảo khẳng định: “Với những cống hiến to lớn của Văn Cao ở cả 3 lĩnh vực âm nhạc, thơ văn và hội họa, đã tới lúc cần phải công trình hóa những đặc thù trí tuệ và tư tưởng đặc sắc của Văn Cao cùng những công trình đó sẽ trở thành nguồn thu kinh tế mạnh về du lịch, lữ hành, lễ hội, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giáo dục xã hội và đồng thời bảo tồn di sản văn hóa Văn Cao”.
Nhân dịp này, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 8 tập thể và 5 cá nhân có đóng góp cho Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao và Hội thảo về thân thế và sự nghiệp Văn Cao.