Bệnh hại thường gặp trên cây cải thảo
Bệnh đốm vòng
Triệu chứng: Bệnh do nấm Alternaria brassicae Sace gây ra. Triệu chứng của bệnh đốm vòng thường xuất hiện trên những lá già. Lúc đầu là những chấm nhỏ màu đen, sau lan rộng ra thành hình tròn, màu nâu có hình tròn đồng tâm. Trời ẩm ướt trên vết bệnh có lớp nấm xốp màu đen bồ hóng.
Cách phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, xử lý hạt giống bằng nước nóng 500C trong khoảng 30 phút.
Hiện tại chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ bệnh đốm vòng cải thảo. Có thể khuyến cáo tham khảo sử dụng các hoạt chất: Prochloraz-Manganese complex; Trichoderma spp 106 cfu/ml + K-Humate + Fulvate + Chitosan + Vitamin B1 phun đều lên hai mặt lá để phòng trừ.
Chú ý phun luân phiên thay đổi các loại thuốc thuộc các nhóm hoạt chất khác nhau và không dùng bất cứ một loại thuốc nào quá 2 lần trong một tháng. Trong khoảng thời gian 40 ngày sau trồng thường dùng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn, sau đó dùng các loại có tác dụng xông hơi, tiếp xúc, nhanh phân giải và thuốc vi sinh.
Bệnh cháy lá
Triệu chứng: Bệnh gây hại ở cả cây giống và cây đã lớn, lá của những cây giống nhiễm bệnh chuyển sang màu vàng và rụng trước khi cây lớn.Trên cây lớn hơn, vết bệnh có màu vàng, xuất hiện trên rìa lá với mũi nhọn hướng vào trong. Những vết bệnh này lan dần vào giữa lá. Diện tích bị nhiễm bệnh chuyển sang màu nâu, các mô cây bị chết. Gân lá ở những vùng bị nhiễm chuyển màu đen có thể nhìn thấy khi cắt lá.
Cách phòng trừ: Luân canh cần phải thời gian lâu (ít nhất là 3 năm). Chọn cây giống khoẻ mạnh không có triệu chứng của bệnh để trồng. Bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm. Thu dọn kỹ tàn dư, lá già bị bệnh trên ruộng sau khi thu hoạch.
Hiện tại chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ bệnh cháy lá cải thảo. Quy trình có thể khuyến cáo tham khảo sử dụng hoạt chất Copper Hydroxide, Kasugamycin để phòng trừ.
Bệnh thối nhũn
Triệu chứng: Vết bệnh đầu tiên thường xuất hiện ở các cuống lá già phía dưới gần mặt đất, tạo thành những đốm mọng nước, sau đó thối nhũn. Vết bệnh theo cuống lá phát triển lên phía trên làm cho cả lá bị vàng và thối nhũn. Các lá phía trên cũng có thể bị bệnh và cả cây bị thối. Khi cây bị bệnh, các tế bào trở nên mềm, có nước và nhớt, có mùi lưu huỳnh.
Cách phòng trừ: Làm đất kỹ, lên luống cao để dễ dàng thoát nước, luân canh với cây trồng khác khi đất bị nhiễm nặng. Vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm, đặc biệt là trong điều kiện mùa mưa cần tăng cường bón kali.
Hiện tại chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ bệnh thối nhũn cho cải thảo. Quy trình có thể khuyến cáo tham khảo sử dụng một số hoạt chất sau để phòng trừ Kasugamycin, Copper Oxychloride + Metalaxyl, Streptomycin sulfate, Thiodiazole copper.
Sâu hại thường gặp
Sâu xám: Bướm hoạt động giao phối và đẻ trứng ban đêm, thích mùi chua ngọt. Sâu non mới nở gặm lấm tấm biểu bì lá cây, sâu lớn tuổi sống dưới đất, ban đêm bò lên cắn đứt gốc cây. Sâu đẫy sức hoá nhộng trong đất. Sâu xám phát sinh trong điều kiện thời tiết lạnh, ẩm độ cao, chủ yếu phá hại khi cây còn nhỏ.
Cần vệ sinh đồng ruộng thường xuyên, làm sạch cỏ dại xung quanh bờ. Cày xới đất kỹ trước khi trồng. Hiện chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ sâu xám hại cải thảo, quy trình có thể khuyến cáo tham khảo sử dụng một số loại thuốc để phun hoặc rải xuống đất, xung quanh gốc cây như: Metarhizium anisopliae (Metament 90 DP, Vimetarzimm 95DP).
Sâu khoang: Bướm hoạt động ban đêm, thích các chất có mùi chua ngọt, đẻ trứng thành ổ bám mặt dưới lá. Sâu non sau khi nở sống tập trung, gặm lấm tấm chất xanh của lá. Sâu lớn tuổi phân tán, ăn khuyết lá. Sâu non phá hại mạnh vào ban đêm, hoá nhộng trong đất.
Cần vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ trước khi trồng. Dùng bả chua ngọt để bắt bướm. Ngắt bỏ ổ trứng, diệt sâu non mới nở.
Hiện không có thuốc bảo vệ thực vật đăng ký trong danh mục phòng trừ sâu khoang hại cải thảo. Quy trình có thể khuyến cáo tham khảo sử dụng một số hoạt chất đăng ký trừ sâu khoang trên cây bắp cải (rau họ thập tự) như BT, Abamectin, Emamectin Benzoate, Azadirachtin, Oxymatrine.
Sâu tơ: Bướm hoạt động mạnh về đêm, mạnh nhất là từ chập tối đến nửa đêm. Bướm đẻ trứng rải rác hoặc từng cụm, theo dây dọc ở mặt dưới lá. Sâu non mới nở gặm biểu bì tạo thành những đường rãnh nhỏ ngoằn ngoèo. Sâu lớn ăn toàn bộ biểu bì lá làm cho lá bị thủng lỗ chỗ gây giảm năng suất và chất lượng rau.
Phòng trừ sâu tơ bằng cách vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất để diệt bớt trứng, nhộng, sâu non và hạn chế mầm bệnh, luân canh với cây trồng khác họ. Trồng xen một số cây tiết ra mùi khó chịu để ngăn ngừa bướm sâu tơ như cà chua, hành, tỏi tưới nước bằng phương pháp phun mưa và phun thuốc diệt sâu vào buổi chiều tối. Bảo vệ các loài thiên địch của sâu tơ như ong ký sinh Diadegma semiclausum, Ong Cotesia Plutella, nấm ký sinh, bọ đuôi kìm. Có thể quây lưới ruồi cao 1m để hạn chế sâu bay nhiễm từ vườn khác.
Sử dụng một số hoạt chất sau để phòng trừ: Azadirachtin (Bimectin 0.5EC), ngoài ra tham khảo sử dụng BT, Abamectin, Emamectin Benzoate, Cypermethrin, Oxymatrine.
Rệp: Cả rệp non và trưởng thành đều chích hút nhựa cây, làm búp và lá bị xoăn lại, lá nhạt màu hoặc vàng, héo rũ. Ngoài gây hại trực tiếp cho cây trồng, rệp còn là môi giới truyền bệnh virus cho rau. Thời tiết nóng khô thuận lợi cho rệp phát triển.
Cần theo dõi ruộng thường xuyên để kiểm tra sự gia tăng của quần thể rệp. Nếu mật độ rệp thấp có thể loại bỏ bằng cách vặt bỏ những lá bị nhiễm và hủy chúng đi. Sử dụng hoạt chất sau để phòng trừ Garlic juice (BioRepel 10 SL).
Bọ nhảy: Bọ trưởng thành hoạt động vào lúc sáng sớm hoặc trời mát, trời mưa ít hoạt động, trưởng thành ăn lá làm lá thủng lỗ chỗ, đẻ trứng chủ yếu trong đất, đẻ nhiều vào sau buổi trưa. Sâu non sống trong đất, ăn rễ cây, làm cho cây bị còi cọc, héo hoặc bị thối. Sâu non hoá nhộng ngay trong đất. Bà con cần vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất trước khi trồng, luân canh cây trồng khác họ. Sử dụng hoạt chất sau để phòng trừ: Abamectin (Agromectin 1.8 EC).
Lưu ý: Bà con cần phòng trừ dịch hại tổng hợp bằng các biện pháp canh tác kỹ thuật như vệ sinh đồng ruộng, chú ý quá trình làm đất, thường xuyên cắt tỉa các lá già ở gốc. Luân canh với các loại cây trồng khác. Sử dụng các hạt giống khỏe, có xuất xứ rõ ràng.
Bón phân cân đối các thành phần dinh dưỡng, thường xuyên sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh để tăng cường vi sinh vật có lợi trong đất. Thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện sâu bệnh và phòng trừ hợp lý.
Sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại. Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học nồng độ cao gây tổn hại đến quần thể thiên địch trong tự nhiên như ong ký sinh, nhện bắt mồi,…
Sử dụng bẫy màu vàng bôi chất bám dính như nhựa thông trộn với nhớt, bẫy Pheromone, bẫy ngọt,… để dẫn dụ côn trùng. Sử dụng các lưới ruồi cao 1,5 – 1,8m để hạn chế ruồi đục lá, côn trùng từ vườn khác bay tới.
Ngoài ra cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng, pha thuốc theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì. Phun thuốc khi bệnh vừa mới xuất hiện, không sử dụng các loại thuốc cấm cho rau ăn lá. Ưu tiên các loại thuốc có nồng độ thấp, ít độc đối với thiên địch và con người, chẳng hạn các thuốc có nguồn gốc thảo mộc và sinh học.