Thời vụ trồng
Khoai môn có thể trồng quanh năm, nhưng vụ Đông Xuân cho năng suất và chất lượng cao nhất. Tùy vào khí hậu từng vùng, thời điểm trồng cũng khác nhau:
Ở miền Nam trồng từ tháng 10 – 12, đến tháng 4 – 6 có thể thu hoạch.
Đối với các tỉnh phía Bắc, do sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng kéo dài hơn nên thời điểm trồng cũng thay đổi. Có 2 thời điểm thích hợp: Trồng từ tháng 3 – 4 hoặc trồng từ tháng 8 – 9.
Chọn giống
Lựa chọn củ giống tốt, những củ con cấp 1 hay cấp 2, không bị thối, lớp vỏ ngoài nhiều lông, khối lượng từ 20 – 30g/củ. Trước khi trồng khoảng 1 tháng đem giâm trong cát ẩm nơi góc nhà ít ánh sáng cho mọc mầm rồi đem trồng.
Ngoài ra, bà con có thể sử dụng giống cây con bằng phương pháp nhân giống dòng, giống từ mô phân sinh, lợi ích của việc sử dụng giống cây con này là sạch bệnh, cây giống không bị thoái hóa.
Cách trồng khoai môn cho năng suất cao
Cần chuẩn bị đất trồng khoai môn thích hợp nhất có độ tơi xốp, chứa nhiều mùn. Nếu trồng khoai trên đất nương rẫy thì cần làm sạch cỏ dại và tàn dư cây trồng vụ trước. Cuốc hố cách nhau 60 – 70cm , kích thuốc hố 20 x 20cm đảo bảo mật độ trồng từ 28.000 – 30.000 cây/ha.
Nếu trồng trên đất màucần tiến hành dọn sạch cỏ dại, cày sâu 15 – 20cm và bừa kỹ. Lên luống rộng từ 1,2 – 1,4m rãnh rộng 0,4m. Luống không cần vun cao, để đất sẽ vun gốc khoai giai đoạn sau, chiều cao luống từ 15 – 20cm. Cuốc hốc so le, khoảng cách hốc 60cm, mỗi luống hai hàng, mật đồ trồng từ 30.000 – 32.000 cây/ha.
Xử lý đất bằng vôi bột hoặc các loại thuốc để diệt các loại nấm bệnh gây hại cho đất và các loại thuốc dạng hạt có mùi rải trên mặt đất để diệt các loại côn trùng ăn rễ và mầm ngọn. Việc này được tiến hành trước khi trồng ít nhất 20 – 30 ngày.
Trước khi trồng cần căn cứ vào chủng loại giống, điều kiện đất đai để lựa chọn mật độ phù hợp. Giống có dạng khóm đứng, đẻ nhánh nhiều thì trồng dày hơn những giống dạng xoè, đẻ nhánh ít, đất tốt trồng thưa hơn đất xấu. Mật độ thường áp dụng là 40.000 - 50.000 cây/ha, khoảng cách hàng 60cm, cách đây 40cm cho khoai sọ. Mật độ 25.000-35.000 cây/ha, với khoảng cách hàng 60cm, cách cây 50cm cho khoai môn.
Cách trồng khoai môn khá đơn giản và dễ thực hiện. Bạn chỉ cần đặt củ giống ở độ sâu từ 5-7cm dưới mặt đất, đảm bảo hướng mầm chính lên phía trên, sau đó phủ đất lên trên. Cuối cùng, hãy phủ một lớp rơm mục hoặc cỏ khô lên bề mặt lòng đất để giữ ẩm cho đất hiệu quả, từ đó kích thích củ giống nảy mầm và phát triển nhanh hơn.
Việc phủ màng bằng rơm hay cỏ khô cần đảm bảo phủ rộng từ 1-1.2m, nên ưu tiên phủ trùm qua lòng đất. Khi chồi cây bắt đầu mọc lên, bạn có thể sử dụng dao để khuyết một lỗ có kích thước vừa phải để hỗ trợ giúp cây sinh trưởng nhanh chóng hơn.
Trong vòng 1 tháng sau trồng chú ý trồng dặm để đảm bảo mật độ khoảng cách theo quy định. Đối với đất đồi núi, không dùng những củ đã có mầm mọc quá dài 10cm để trồng dặm vì đất khô mầm và rễ sẽ héo ảnh hưởng đến quá trình mọc của cây. Đối với đất ruộng có thể dùng cả những củ đã có mầm dài hoặc những cây đã mọc để dặm.
Sau trồng cần tưới nước giữ ẩm cho đất để cây nảy mầm đều, phát triển tốt. Đặc biệt thời kỳ lúc khoai 5 – 6 lá tránh để khô hạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của cây sau này.
Muốn cây phát triển tốt cần tiến hành làm cỏ theo 3 đợt sau:
Đợt 1: Tiến hành làm cỏ khi cây có 2 – 3 lá. Lúc này cây khoai mới mọc nên bộ rễ chưa phát triển. Vì vậy khi làm cỏ lưu ý chỉ dùng cuốc xới nhẹ trên bề mặt đất để tiêu diệt cỏ dại, tuyệt đối không cuốc sâu ảnh hưởng đến bộ rễ.
Đợt 2: Kết hợp vun cao khi cây có 4 – 5 lá kết hợp bón thúc lượng phân bón còn lại. Lúc này cây đã sinh trưởng phát triển mạnh. Dùng cuốc xới nhẹ xung quanh gốc và vun đất vào gốc. Đối với đất ruộng cần vun luống cao vào thời điểm này khi cây chưa quá tốt.
Đợt 3: Sau trồng 5 tháng. Cây khoai đã mọc tương đối tốt, lưu ý phải tỉa bớt nhánh đẻ của khóm khoai, mỗi một khóm chỉ nên để 1-2 nhánh. Quá trình tỉa nhánh phải tiến hành liên tục thường xuyên vì tập tính của cây khoai đẻ nhánh nhiều sẽ ảnh hưởng đến năng suất củ cái sau này. Trong quá trình tỉa nhánh cần tỉa bớt những lá già úa vàng.
Đặc biệt, bà con cần lưu ý đến việc bón phần cho cây. Tổng lượng phân bón cho cây khoảng môn tính trên 1 ha: 10 – 15 tấn phân chuồng hoai mục + 130 – 150 kg Đạm ure + 150 kg Super lân + 180 kg Kali + 1 tấn vôi.
Thời kỳ bón phân cho cây khoai môn chia làm 1 lần bón lót và 2 lần bón thúc:
Bón lót trước khi trồng: 100% (phân chuồng + vôi bột + Super lân).
Bón thúc lần 1 khi cây 2 – 3 lá: 50% Đạm ure + 30% Kali.
Bón thúc lần 2 sau trồng từ 50 – 65 ngay khi cây bắt đầu hình thành và phát: Bón nốt lượng phân còn lại.
Đối với bón lót bón theo hốc, kết hợp với quá trình chuẩn bị đất trước khi trồng. Bón thúc kết hợp với đợt làm cỏ, vun gốc cho cây khoai môn. Sau khi làm sạch cỏ, rải phân xung quanh gốc, rồi tiến hành vun gốc cho cây khoai môn.
Phòng trừ sâu bệnh cho cây khoai môn
Bệnh sương mai: Chọn lọc các giống có khả năng chống chịu bệnh để trồng. Bón cân đối phân chuồng và phân hoá học kết hợp trồng đảm bảo mật độ, vụ tạo vồng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác để tạo cho cây khoẻ mạnh. Khi có bệnh có thể phun các loại thuốc sau: Boocđô nồng độ 1%, Dacolin 75WP nồng độ 0,2%, Ridomil MZ nồng độ 0,2%, Benlat-C50WP nồng độ 0,15-0,2& hoặc Memody Arobat (20-30g/bình 8 lít).
Bệnh khảm lá: Dùng nguồn giống sạch bệnh để trồng. Nhổ bỏ các cây bị bệnh. Phun các loại thuốc để diệt rầy (Aphis spiraeclla) môi giới truyền bệnh.
Sâu khoang: Vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ, tơi, ải trước khi trồng, làm cỏ vun xới thường xuyên.Sau khi thu hoạch thu gom tàn dư cây trồng để đốt hoặc làm phân. Dùng bả chua ngọt để bẫy bướm khi chúng ra rộ.
Nhện đỏ: Luân canh cây trồng. Đảm bảo đủ nước tưới cho cây, khồng để ruộng bị khô hạn. Có thể sử dụng 1 trong các loại thuốc để phun như: Oncol 25ND, Trebon 10ND nồng độ 0,1 - 0,2%.
Rệp bông: Phun Padan 95EC (0,8 lít/ha), Polytrin 400EC (0,7 lít/ha), Spresis 40EC (1,2 lít/ha), Dipterex các loại thuốc này pha nồng độ 0,2 - 0,3%, Fenbis 25EC, Bassa 50EC, Ofatox 400EC nồng độ 0,1%, Appland 10WP, Hospan 25ND, Hoppecin 50ND... theo hướng dẫn của chuyên môn.
Thu hoạch
Sau khi trồng 4,5 – 5 tháng, lúc ruộng khoai có 70 – 80% lá khoai môn chuyển sang màu vàng thì có thể thu hoạch. Chọn ngày không mưa để thu hoạch. Nếu thu hoạch khi lá vẫn còn xanh thì không cắt ngay lá mà để nguyên cả cây nơi râm mát trong 5 – 7 ngày để củ chín sinh lý thêm, đảm bảo chất lượng.