Có mặt tại thôn Lũng Slàng của đồng bào Dao đỏ ở xã Tri Phương, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi chứng kiến anh Triệu Văn Phú đang tất bật chuẩn bị các công việc liên quan như: bố trí người đưa đón khách bằng xe máy từ điểm đỗ ô tô vào trung tâm thôn; sắp xếp chỗ ăn, chỗ ngủ, thức ăn cho du khách đến thôn thăm quan trải nghiệm.
Bữa cơm trưa được anh Phú chuẩn bị theo nhu cầu của đoàn khách. Thực phẩm thì ưu tiên những loại sản vật địa phương, những món ăn độc đáo của đồng bào người Dao, lạp xưởng, thịt treo gác bếp, các loại rau được trồng ở các nương ngô…
Trò chuyện với anh Triệu Văn Phú, chúng tôi được nghe kể về cái duyên làm du lịch cộng đồng. Vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông của người Dao đỏ ở Lũng Slàng, một thôn đặc biệt khó khăn của xã Tri Phương, thu nhập của gia đình anh chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên không ổn định. Bao năm anh Phú luôn trăn trở tìm hướng khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.
Là Bí thư Chi bộ, được đi học tập ở nhiều nơi, sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, anh Phú nhận thấy thôn Lũng Slàng- nơi anh sinh ra và lớn lên có nhiều cảnh đẹp và nét văn hóa dân tộc độc đáo, thích hợp để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Do đó, từ năm 2018, gia đình anh Phú bắt đầu sửa sang nhà cửa, đón tiếp và phục vụ khách đến tham quan du lịch trải nghiệm.
Anh Triệu Văn Phú chia sẻ: Tôi cũng hay đi nhiều nơi, quen biết nhiều người. Ban đầu là do quý mến, tôi mời bạn bè đến nhà chơi, thăm thú thôn bản. Sau họ thấy yêu thích cảnh sắc thiên nhiên, cảm thấy hứng thú với các món ăn truyền thống và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nên tiếp tục giới thiệu cho bạn bè. Các đoàn khách tìm đến ngày càng nhiều, số lượng tăng nên tôi đã chủ động đầu tư, mua sắm thêm đồ dùng để phục vụ khách và huy động thêm các hộ gia đình trong thôn.
Không chỉ tiên phong trong việc làm du lịch, anh còn vận động bà con Nhân dân trong bản cùng làm du lịch để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, trong thôn Lũng Slàng có 7 gia đình đã tham gia đón tiếp và phục vụ khách du lịch
Mặc dù là tự phát, nhưng đồng bào người Dao đã biết tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách thức làm du lịch, tìm hiểu nhu cầu du khách để cùng nhau mua sắm trang thiết bị, đồ dùng gia đình. Các hộ gia đình đầu tư xây nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh để phục vụ khách.
Theo anh Triệu Văn Phú, thôn Lũng Slàng có 37 hộ với 182 người dân tộc Dao. Hiện tại, người dân trong thôn vẫn duy trì, gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt như: ở nhà mái ngói, nói tiếng dân tộc, tự tăng gia sản xuất, nấu rượu ngô truyền thống, may thêu trang phục, đan lát, làm thịt treo gác bếp và các món ăn dân tộc…
Từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi năm, thôn Lũng Slàng tiếp đón khoảng 10 đoàn khách với gần 500 lượt khách, thời gian lưu trú bình quân là 1,5 ngày. Đặc biệt, từ năm 2022, sau khi đám cưới người Dao tại thôn Lũng Slàng, với nghi lễ đón dâu độc đáo đã được người dân nơi đây phục dựng để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.
Đến Lũng Slàng, khách tham quan có thể trải nghiệm cuộc sống, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân và tìm hiểu các giá trị văn hóa đặc trưng của người Dao như hát Páo Dung, thổi kèn Pí lè… nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao đỏ nơi đây.
Anh Trần Việt Anh, khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết: Khi đến trải nghiệm du lịch tại thôn Lũng Slàng, tôi và gia đình thấy rất thích bầu không khí trong lành, mát mẻ nơi đây. Thêm vào đó, là những món ăn đặc sắc do đồng bào ở đó thu hái hoặc tự trồng, tự nuôi. Chúng tôi được tìm hiểu các nét phong tục độc đáo của người Dao, được trải nghiệm cuộc sống thú vị, ở nhà sàn, lưu lại những bức ảnh đẹp của cảnh núi rừng yên bình …
Để người dân Lũng Slàng khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, từ năm 2019 đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện Tràng Định đã chỉ đạo đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá địa điểm du lịch thôn Lũng Slàng tại các kênh thông tin ở huyện; khuyến khích người dân nơi đây tham gia phát triển du lịch.
Tuy nhiên, về đầu tư hạ tầng ở thôn vẫn còn hạn chế. Hiện con đường từ xã vào trung tâm thôn dài 2km, vẫn là đường dân sinh nhỏ hẹp chỉ đủ cho xe máy lưu thông, gây khó khăn trong đi lại cho người đến tham quan.
Ông Nông Văn Lâm, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tràng Định cho biết: Lũng Slàng có những tiềm năng phù hợp với phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Để người dân phát huy tiềm năng thế mạnh trong phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tuyên truyền người dân bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào Dao đỏ…Qua đó, giúp người dân vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn bản sắc văn hóa và tạo thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.