Theo Đông y, nguyên nhân gây ngứa mùa đông là do phong hàn bên ngoài tác động, khiến cơ thể phản ứng lại sinh dị ứng, mẩn ngứa, mề đay. Còn Tây y cho rằng, mùa đông hanh khô, lạnh lẽo, chức năng điều tiết của tuyến mồ hôi, tiết bã bị hạn chế, lượng máu cung cấp cho da giảm… khiến da mất nước và khô rát, da sẩn phù, bong tróc gây ngứa nhiều hơn các mùa khác. Để bảo vệ da trong mùa lạnh, ngăn ngừa các bệnh về da nên lưu ý thực hiện các biện pháp sau đây:
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: Ăn nhiều loại rau có màu đậm, các loại củ quả như cà rốt, dưa, cam... có nhiều betacaroten, cần thiết cho da. Giảm thiểu các loại hành, tỏi... chứa nhiều sulfur kích thích da.
Bạn cần bổ sung đủ 2 lít nước/ ngày nhằm duy trì độ ẩm và hạn chế tình trạng bong tróc. Với những người có làn da quá khô, có thể sử dụng các viên uống cấp nước cho da để cải thiện tình trạng khô và ngứa ngáy.
Giữ vệ sinh cho da: Nên vệ sinh da mặt và da toàn thân bằng các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ để loại bỏ bụi bẩn và tế bào chết mà không làm da bị khô và kích thích.
Dưỡng ẩm cho da 2 lần/ ngày. Vào mùa đông, bạn nên lựa chọn các sản phẩm dưỡng ẩm có kết cấu dày để làm giảm tình trạng thoát hơi nước. Hoặc có thể tận dụng tinh dầu tự nhiên như dầu argan, dầu dừa, dầu ô liu,… nhằm dưỡng ẩm cho da và cải thiện tình trạng ngứa.
Khi tắm chỉ nên dùng nước đủ ấm, không chà xát mạnh. Nên dùng các loại sản phẩm xà phòng, sữa tắm có tác dụng diệt khuẩn và thân thiện với làn da để đạt được mục đích loại bỏ vi khuẩn và bảo vệ da tốt hơn.
Giữ ẩm cho da: Không nên sử dụng nước quá nóng, tránh tiếp xúc với các chất tẩy rửa mà không sử dụng bao tay. Dùng kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da, nhất là những lúc vừa tắm xong.
Cần sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để tăng độ ẩm trong không khí, giảm khô da và hạn chế bùng phát các bệnh da liễu mãn tính.
Giữ ấm tay chân: Muốn ngăn chặn bị cước tay chân (cước là các đầu ngón tay, ngón chân bị sưng căng cứng, nổi màu đỏ mà đặc biệt là rất ngứa) thì trước hết cần giữ ấm cho mặt, nhất là mũi, tai. Vì đây là nơi gặp lạnh sẽ bị co thắt mạch, sau đó lan ra khiến tay chân tím tái...
Ngoài ra, việc luyện tập thể dục hằng ngày cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn nói chung và làn da nói riêng. Luyện tập và lao động vừa sức giúp khí huyết lưu thông, da được nuôi dưỡng tốt hơn. Bạn cũng đừng hút thuốc lá vì nicotin làm mạch máu co hẹp, giảm lưu thông máu tới nuôi dưỡng da.
Nếu bạn là người có cơ địa dị ứng thì cần giảm thiểu thời gian sống trong môi trường có độ ẩm ít vì da dễ bị khô, dễ bị kích thích, làm tái phát bệnh dị ứng da theo mùa. Bạn phải luôn giữ ấm cơ thể, nhưng tránh mặc quần áo bằng chất liệu len, bố... vì dễ gây kích ứng da.
Bạn cũng không nên mặc quần áo quá chật để tránh khỏi bị cọ xát, dễ gây kích thích tại chỗ. Các mỹ phẩm có tính giữ ẩm da như cetaphil, lacticane phù hợp với bạn và có tác dụng giúp cho da không bị khô, bong tróc vảy. Bạn cần tránh những thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, các chất được lên men như dưa, cà muối chua... Một điều lưu ý nữa là bạn phải tránh tiếp xúc với các loại hóa chất dễ gây kích ứng da, nhất là các chất đã gây cho da bạn bị kích ứng trước đây.
Ngoài ra, nếu ngứa nhẹ (dị ứng, mẩn ngứa, mề đay do lạnh) không cần dùng thuốc, chỉ cần kiêng gió, lạnh, tắm nước lạnh và nóng quá, nhộng, tôm cá nhỏ… và dùng một số cách sau đây:
Cách 1: Khi mưa rét rất dễ bị nổi mẩn, mề đay hãy lấy quần áo khô cho vào chảo rang nóng rồi mặc vào sẽ hết dị ứng mề đay do mưa lạnh. Hoặc dùng áo/quần vải, lụa rang nóng xoa khắp vùng bị mẩn ngứa, dị ứng là khỏi.
Cách 2: Lá tía tô (tác dụng tán phong hàn, chữa phong hàn ngoại cảm), kinh giới (giúp trừ phong hàn, giúp giải cảm, chữa dị ứng, lá đinh lăng (giúp giải độc mát gan, chữa dị ứng, rau má (giúp giải độc, mát gan, chữa dị ứng, bổ máu…). Mỗi lá trên lấy 50g tươi - hoặc 30g khô – cho vào máy xay sinh tố, hoặc sắc lấy nước uống tới khi hết ngứa.
Cách 3: Mật ong 2 muỗng (30ml), đun nóng thoa lên chỗ da đang ngứa, để yên 15 phút, rửa sạch. Mật ong dưỡng ẩm tự nhiên, kháng khuẩn, phục hồi vùng da bị hư tổn, chống ôxy hóa tốt.
Cách 4: Nước hoa hồng và glycerine Glycerine hòa đều, thoa lên da, giúp da dưỡng ẩm tự nhiên.
Cách 5: Lô hội (gọt vỏ, dùng phần nhựa trong suốt) thoa lên chỗ đang ngứa, giúp giữ nước, da se khít mịn màng, tạo màng bảo vệ chống chất bẩn xâm nhập qua lỗ chân lông.
Cách 6: Tắm bằng nước ấm có pha bột nở (baking soda), tỷ lệ 3 phần bột nở, 1 phần nước. Ngâm mình 30-60 phút/ngày sẽ giảm ngứa. Sau khi tắm dùng khăn mềm thấm nhẹ trên vùng da ngứa.
Cách 7: Chườm khoai tây: Sử dụng khoai tây chưa mọc mầm, cạo sạch vỏ, thái lát mỏng sau đó đắp lên da. Giữ trong 15 phút và rửa lại bằng nước sạch có tác dụng là dịu da, cấp ẩm ngắn hạn và giảm ngứa.
Cách 8: Chườm lá kinh giới: Nhặt bỏ phần rễ và lá úa sau đó đem ngâm rửa phần thu được với nước muối loãng. Sau đó vớt lá kinh giới ra, để ráo nước vào thái nhỏ, sao trên chảo nóng. Sử dụng khăn mặt bọc kín và chườm lên da giúp mạch máu lưu thông, giảm ngứa và sẩn phù.
Cách 9: Tắm lá chè xanh: Rửa sạch phần lá chè sau đó đem đun cùng 2 lít nước trong thời gian khoảng 20 phút. Sau đó sử dụng phần nước để ngâm rửa vết thương hoặc tắm toàn thân để làm sạch bụi bẩn, mẩn ngứa và se vết thương và chống oxy hóa.
Ngứa da do thời tiết không thể chữa khỏi hẳn, mà chỉ chữa khỏi theo từng đợt. Với một số người trời ấm là cơn ngứa cũng hết. Vì vậy, khi thấy da mẩn ngứa cần giữ vệ sinh, tránh gãi mạnh để không bị viêm nhiễm. Nếu ngứa tiến triển nặng cần đi khám chuyên khoa để được chỉ định dùng thuốc, không tự ý mua thuốc về dùng./.