Nguyên nhân bệnh zona là do virus Varicella zosterZona, hay còn có tên gọi dân gian là giời leo, là bệnh lý do virus Varicella zoster gây ra. Mặc dù, do virus gây ra nhưng zona không liên quan đến cơ chế lây nhiễm thông thường. Tác nhân gây bệnh zona trú ngụ sẵn trong cơ thể, cụ thể là trong hệ thần kinh, khi gặp điều kiện thuận lợi như hệ thống miễn dịch suy giảm, thì tái hoạt động và gây ra các triệu chứng.
Virus gây ra zona cũng là tác nhân gây bệnh thủy đậu, điểm khác biệt duy nhất là Zona tái phát nhiều lần trong đời và không gây nguy hiểm tính mạng nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và thẩm mỹ.
Bệnh zona thần kinh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở người cao tuổi, đặc biệt những người có bệnh nền, như tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận hoặc suy giảm miễn dịch, với nguy cơ biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời.
Các triệu chứng thường gặp ở zona thần kinh
Khi bị mắc zona hoặc biến chứng zona thần kinh, các triệu chứng thường biểu hiện gây cảm giác đau đớn, khó chịu:
Mụn nước, bọng nước có chứa dịch trong: Phát ban nổi lên xuất hiện dưới dạng mụn nước mọc thành chùm, phân bố theo đường đi của dây thần kinh (dạng dải) hoặc mảng lớn. Trong vòng 3 – 4 ngày, các mụn nước liên kết lại thành bọng nước, chứa nhiều dịch, bọng nước căng và gây đau. Một thời gian sau bọng nước xẹp, có thể vỡ nếu va chạm, một số trường hợp để lại sẹo.
Nóng rát và đau: Cảm giác ngứa, đau hoặc nóng rát là biểu hiện đặc trưng và thường xảy ra trước khi phát ban xuất hiện. Người bệnh sẽ cảm thấy đau dọc dây thần kinh nửa bên người. Sau đó xuất hiện cảm giác nóng rát, ngứa ngáy, phát ban và đau dữ dội. Tuy nhiên, trước khi có triệu chứng nóng rát và đau thì người bệnh sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau nhức (triệu chứng của nhiễm siêu vi).
Sưng đau các vùng lân cận và nổi hạch: Bệnh zona thần kinh thường xuất hiện ở một bên cơ thể như: 1 bên eo, một bên mặt, cổ hoặc thân mình với cảm giác đau nhẹ đến dữ dội ở vùng da bị ảnh hưởng. Nếu ở cổ, vai có thể lan đến các khu vực lân cận như cánh tay, cẳng tay, bàn tay, hoặc nếu ở mông thì có thể lan xuống đùi, cẳng chân và gót chân. Nổi hạch ở cổ, nách, bẹn… tương ứng với vị trí phát ban zona.
Ngoài ra, còn có các dấu hiệu trên bệnh zona thần kinh có các biểu hiện khác như: Sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, nhạy cảm với ánh sáng...
Các thể bệnh zona thần kinh phổ biến ở các vùng khác nhau trên cơ thể như:
Zona trên khuôn mặt: Xuất hiện các mụn nước hình chùm trên nền hồng ban: da quanh mắt lan lên trán, da đầu, thái dương và sau chẩm, 1 bên gò má hoặc da quanh cằm (các nhánh của dây thần kinh sinh ba). Da mặt là vùng nhạy cảm, dễ tổn thương nên cần chăm sóc kỹ các vết phát ban tránh để lại sẹo gây mất thẩm mỹ. Cần chú ý Zona vùng mặt dễ đi kèm biến chứng liệt mặt (liệt dây thần kinh VII ngoại biên). Biến chứng này có thể phục hồi hoàn toàn hoặc không.
Zona ở miệng: Thường xuất hiện trên môi hoặc trong miệng để lại vết lở loét gây ra đau, khó chịu khi ăn uống và nói chuyện khó khăn. Bệnh dễ nhầm lẫn với nhiệt miệng nhưng kéo dài lâu hơn và đau hơn.
Zona ở mắt: Đây là loại zona thần kinh ảnh hưởng đến khu vực xung quanh mắt. Triệu chứng bao gồm đau mắt, đỏ mắt, ngứa, sưng và xuất hiện các vết phồng rộp. Tình trạng này có thể gây viêm kết mạc, viêm giác mạc và thậm chí mù lòa.
Zona trên tai: Khi virus Varicella-Zoster tấn công dây thần kinh gần khu vực tai gây đau tai, liệt mặt, loét trong tai, nổi hạch ở trước và sau tai, xuất huyết,…
Biện pháp phòng ngừa các biến chứng của zona thần kinh:
Bất kỳ người nào mắc zona thần kinh mà không tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ đều có nguy cơ gặp phải biến chứng zona thần kinh. Biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh cũng như các biến chứng zona thần kinh là tiêm phòng vắc xin. Ngay cả khi đã mắc bệnh zona thần kinh, tiêm phòng vẫn là giúp bạn bảo vệ hiệu quả, ngăn ngừa bệnh tái phát. Bên cạnh đó, người mắc bệnh zona thần kinh cần:
Che chắn các vùng tổn thương, có bọng nước để tránh lây nhiễm cho người tiếp xúc. Đồng thời tránh tiếp xúc với những người có nguy cơ cao mắc bệnh zona thần kinh như: người suy giảm hệ miễn dịch do bệnh ung thư/ HIV/AIDS, người lớn tuổi, người sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch, thuốc steroid prednisone thời gian dài, người đang điều trị bệnh bạch cầu, ung thư.
Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, hạn chế đụng chạm, chà sát mạnh lên vùng da đang bị tổn thương zona. Đồng thời tới các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị bằng thuốc kháng virus sớm và kiểm soát được các biến chứng.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hằng ngày lành mạnh, hạn chế: các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm chứa nhiều chất béo, ngũ cốc, các loại hạt, mầm lúa mì, socola… Nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C và kẽm có trong trái cây, gan động vật, bơ,… Thực phẩm giàu lysine có trong sữa, các loại đậu, pho mát… Bổ sung thêm vitamin B6, B12… nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Lưu ý:
Bệnh nhân cần tuyệt đối tránh các phương pháp dân gian không hợp vệ sinh như: đắp lá, vì có thể gây nhiễm trùng da, để lại sẹo xấu.