Trung tuần tháng 3/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Theo quyết định cuối cùng này của Mỹ, có 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức dao động từ 3,87 USD/kg. Mức thuế quyết định cuối cùng của Mỹ cao gấp 1,6 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 hồi tháng 9/2017, cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) trước đó.
Chưa dừng lại ở đó, mức thuế chống bán phá giá còn được Mỹ áp cao ngất ngưởng đối với hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam lên tới 7,74 USD/kg. Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến giờ, chưa từng xảy ra trong việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho Việt Nam. Mức thuế 7,74 USD/kg, cao 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 trước đó, cao gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 trước đó mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu.
Sau khi có quyết định cuối cùng của DOC, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ra thông cáo báo chí. VASEP nhận thấy kết quả cuối cùng của POR13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về Luật C hống bán phá giá thông thường, đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét. Vì vậy, VASEP và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT) trong thời gian sớm nhất.
Thực tế, thời gian qua, sản phẩm cá tra của nước ta chưa bao giờ “thuận buồm xuôi gió” ở thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có một phần là do cá tra của Việt Nam thuộc cùng nhóm cá thịt trắng-một sản phẩm thủy sản được nuôi nhiều ở những đất nước này; nhưng giá cá tra của Việt Nam được bán thấp hơn khoảng 30%; do đó các nước liên tục dựng lên những rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế cá tra vào nước họ.
Theo Tổng cục Thủy sản, cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản. Trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2016, đóng góp gần 22% vào giá trị xuất khẩu chung của ngành thủy sản.
Năm 2018, ngành thủy sản phấn đấu xuất khẩu cá tra đạt từ 2-2,2 tỷ USD. Do vậy, việc DOC tăng mức áp thuế chống bán phá giá cao kỷ lục đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh sẽ là một rào cản cho mục tiêu tăng trưởng này.
Tuy nhiên, trên thực tế, xuất khẩu cá tra gần đây tiếp tục tăng mạnh vào thị trường Trung Quốc-Hồng Kông; riêng trong tháng 1/2018 đã tăng 132% so với cùng kỳ năm 2017. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam. Cũng trong tháng 1/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang 3 thị trường lớn trong khu vực ASEAN là Thái Lan, Singapore và Philippines tăng trưởng lần lượt 163%; 71% và 114% so cùng kỳ năm 2017… Điều này cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ngày càng đa dạng hóa thị trường và không ngừng mở rộng thị trường mới, nhằm tránh bị phụ thuộc.
Việc Trung Quốc vươn lên thị trường “số 1” xuất khẩu cá tra là tín hiệu lạc quan, nhưng nhất thiết cần đề phòng những rủi ro có thể xảy đến. Do đó, song hành cùng việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới thì tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm cá tra chế biến để gia tăng giá trị là một giải pháp lâu dài. Ngoài ra, chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp cần có biện pháp kiểm soát chặt tình trạng ào ạt mở rộng diện tích nuôi cá tra để tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Bởi lẽ, cá tra cũng như nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản khác cũng đã trải qua những chu kỳ “lận đận” về thị trường, giá cả… khiến không ít người nuôi, nhà máy chế biến… lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí phá sản.
KHÁNH THƯ