Bác sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ:
Bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh chuyển hóa mãn tính, đặc trưng bởi lượng glucose trong máu tăng cao cùng với rối loạn carbohydrate, protein, lipid do giảm bài tiết insulin, giảm khả năng hoạt động của insulin hoặc cả hai, theo thời gian dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh.
Nguyên tắc dinh dưỡng: Không có một công thức tính chế độ ăn chung cho tất cả các bệnh nhân, vì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: tình trạng dinh dưỡng (suy dinh dưỡng hay thừa cân béo phì), các mức độ hoạt động thể lực, các bệnh lý kèm theo, điều kiện kinh tế xã hội,... Vì vậy cần quan tâm đến yếu tố cá thể hóa để đạt hiệu quả tối đa của chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường.
Chế độ dinh dưỡng cho người đái tháo đường cần đảm bảo:
- Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cân bằng cả về số lượng và chất lượng; Không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn; Duy trì hoạt động thể lực bình thường; Duy trì cân nặng hợp lý; Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa Lipid máu; Không thay đổi quá nhanh và quá nhiều cơ cấu và khối lượng bữa ăn.
- Đơn giản không quá đắt tiền, phù hợp với tập quán địa phương dân tộc.
Cách phân bố bữa ăn:
- Khẩu phần ăn phải đa dạng, cân đối, hài hòa các thành phần dinh dưỡng: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng.
- Không bao giờ bỏ bữa.
- Cần duy trì tối thiểu 3 bữa ăn chính hằng ngày. Người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, cân nặng,... không khuyến cáo chia nhỏ bữa ăn. Số bữa ăn, khẩu phần ăn phụ thuộc thói quen ăn uống, phong tục tập quán và tình trạng bệnh lý của người bệnh.
- Bữa phụ chỉ nên có ở những người bệnh có nguy cơ hạ đường huyết do thuốc: tiêm insulin, thuốc kích thích tụy tiết insulin…(sau khi đã điều chỉnh liều thuốc), do bệnh lý gan, thận, người già…
+ Đối với người bệnh có biến chứng nặng, nên có bữa phụ trước khi đi ngủ.
+ Người bệnh tập thể dục thể thao cường độ cao nên có bữa phụ trước khi tập luyện, bổ sung thêm trong khi tập luyện nếu thời gian tập luyện kéo dài.
+ Những người bệnh có thói quen ăn bữa phụ phù hợp với công việc, lối sống trong đời sống hằng ngày (ví dụ làm ca đêm…).
+ Nên sử dụng thực phẩm, hoa quả, các sản phẩm dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường có chỉ số tăng đường huyết thấp.
+ Mức năng lượng của bữa phụ chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng số năng lượng của khẩu phần ăn cả ngày, khoảng 150-250 Kcal/bữa phụ.
Bữa phụ lành mạnh cho người bệnh Đái tháo đường:
Người bệnh đái tháo đường, việc lựa chọn những thực phẩm, bữa ăn lành mạnh sẽ giúp kiểm soát tình trạng đường huyết cũng như tình trạng bệnh. Theo dõi khẩu phần ăn cũng sẽ giúp người bệnh duy trì cân nặng như khuyến cáo của bác sĩ. Các món ăn nhẹ lành mạnh cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường. Chúng có thể giúp duy trì năng lượng ổn định giữa các bữa ăn mà không làm tăng lượng đường trong máu. Dù cuộc sống ngày càng bận rộn, hãy nên mang theo một món ăn nhẹ, lành mạnh, thân thiện với bệnh đái tháo đường, chú ý đảm bảo:
1. Các bữa phụ cũng vẫn giữ nguyên tắc cân bằng giữa carbohydrate giàu chất xơ, protein và loại chất béo phù hợp. Sự kết hợp này làm chậm quá trình tiêu hóa giúp lượng đường trong máu ổn định. Nên chú ý bổ sung rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh vào chế độ ăn uống của bạn.
2. Một số bữa phụ lành mạnh tham khảo:
Hoa quả (táo, cam…): 100-150g
Bánh mỳ nâu 1 lát với 1 quả trứng
1 cái bánh tẻ với 1 quả trứng
Sữa dành cho người đái tháo đường1 cốc hoặc chai sữa pha sẵn
Bánh quy dành cho người đái tháo đường 5 chiếc với một lát phô mai…
4. Một số bữa phụ nên tránh: các bữa phụ đóng gói chế biến sẵn nhiều đường, nhiều muối, nhiều chất béo và ít chất xơ như:
Bánh quy đóng gói; Khoai tây chiên; Bánh ngọt, kẹo; Bánh quy giòn; Sữa có đường; Đồ uống có đường
5. Một số mẹo giúp bữa phụ lành mạnh hơn:
Lên kế hoạch cho bữa phụ giống như lên kế hoạch cho bữa ăn chính. Có như vậy mới kiểm soát được năng lượng và các thành phần khác của bữa ăn, do đó cần:
- Theo dõi khẩu phần ăn. Với các lựa chọn đồ ăn nhẹ như các loại hạt và bơ hạt, bạn có thể dễ dàng ăn quá nhiều calo. Đo khẩu phần ăn sẽ giúp ích.
- Ăn uống có kỷ luật, tránh sao nhãng khi ăn để không biết mình đã ăn bao nhiêu.
- Chuẩn bị bữa phụ mang đi khi cần thiết
- Lựa chọn các thực phẩm giàu chất xơ.
- Đi khám tư vấn dinh dưỡng định kỳ hoặc trao đổi trực tiếp ngay nếu đường huyết không kiểm soát được.
Người bệnh đái tháo đường sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng bữa phụ lành mạnh như một phần của chế độ ăn uống được thiết kế tổng thể. Việc sử dụng bữa phụ lành mạnh góp phần ổn định lượng đường trong máu, thúc đẩy cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, tình trạng của mỗi người bệnh là khác nhau và người bệnh đái tháo đường nên đi khám tư vấn bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được giới thiệu những lựa chọn tốt nhất.