Căn nhà gỗ đơn sơ của già có một gian phòng thoáng đãng được dùng làm nơi trưng bày các nhạc cụ dân tộc và đón tiếp những vị khách gần, xa ghé thăm. Bước qua bậc cửa là chiếc đàn t’rưng được kê gọn ghẽ. Trên khoảng tường nhỏ đã ám màu thời gian có đến hơn 20 nhạc cụ “xếp hàng”. Tất cả đều do một tay già làng A Brôl Vẻ tạo nên và làm chủ những thanh âm cuốn hút ấy, làm xiêu lòng nhiều du khách đến thăm.
Già làng A Brôl Vẻ cho biết, trong những năm tháng chiến tranh, ông từng tham gia tại chiến trường Đắk Pét, Đắk Sút, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Sau năm 1975, già trở về buôn đảm nhận các chức vụ Công an xã, Xã đội, Mặt trận và được bà con tín nhiệm bầu là già làng uy tín. Đã 80 tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng, già làng A Brôl Vẻ như cây kơnia tỏa bóng mát cho dân làng. Ông cũng đang mải miết tìm tòi, gìn giữ, trao truyền lại cho người làng, cho đời sau tất cả vốn quý của người Gié Triêng.
Mênh mang trong tiếng kèn talul, talêh, già kể câu chuyện của mình, của làng, của cha ông, của người Gié Triêng bao đời trên miền đất này. Khi còn là một cậu bé, già A Brôl Vẻ vẫn thường theo ông, theo cha học ca hát và chế tác các loại nhạc cụ. Cha và ông của già là người có tài ca hát và chế tác các loại nhạc cụ. Đêm đêm ở trên nương, bên bếp lửa hồng, già vẫn chăm chú theo dõi cách làm nhạc cụ của cha mình và lắng nghe cha hát những làn điệu dân ca. Lớn lên, những câu chuyện cổ, lời hát dân ca và cách cha làm nhạc cụ đã ngấm dần vào máu thịt, trở thành niềm đam mê. Cứ thế mỗi khi trong làng tổ chức lễ hội, A Brôl Vẻ lại có mặt và giữ vai trò rất quan trọng trong đội văn nghệ của làng.
Là già làng, Người có uy tín, Nghệ nhân Ưu tú, già A Brôl Vẻ sử dụng và chế tác trên 20 loại nhạc cụ khác nhau. Mỗi khi tiếng sáo của già cất lên, người nghe cảm nhận như có tiếng nước chảy róc rách ở suối, như âm vang của thác nước, lúc như gió đại ngàn, lúc trầm hùng như âm vọng từ ngàn xưa.
Chỉ tay lên vách nhà, nơi treo nhiều loại nhạc cụ khác nhau do chính tay già làm ra, già A Brôl Vẻ “khoe” rằng, người Gié Triêng có nhiều loại nhạc cụ như ta lê, pa chanh, cha kit, din goror, bin, ta lil, dêl do, pil pôi… Với những nhạc cụ mộc mạc này, người chơi dùng đôi tay, đôi môi và lưỡi để phát ra âm thanh lúc trầm, bổng, lúc khoan thai, lúc nhộn nhịp ngẫu hứng như thúc giục lòng người.
Làng Đắk Răng nơi miền biên giới này là nơi sinh sống của hơn 200 hộ với gần 700 nhân khẩu người Gié Triêng. Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, bà con Gié Triêng vẫn giữ được những nét văn hóa xưa cũ. Những trai gái trong làng vẫn cần mẫn làm rượu cần, dệt thổ cẩm, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống. Họ giữ cho làng mình các hoạt động văn hóa cồng chiêng, múa xoang và một số lễ hội truyền thống như Lễ hội Cha chah (Lễ ăn than), Lễ ăn trâu.
Già làng A Brôl Vẻ có tinh thần làm việc miệt mài, nghiêm túc để gìn giữ và lan tỏa nét đẹp âm nhạc truyền thống. Già luôn tâm huyết truyền dạy những nét đẹp văn hóa người Gié Triêng cho các thế hệ tiếp nối, tạo thành bản sắc của mảnh đất và con người Đăk Răng ở vùng Bắc Tây Nguyên giàu truyền thống. Từ nỗ lực tâm huyết của già làng, tình yêu với nhạc cụ truyền thống ngày được gìn giữ, lan tỏa trong cộng đồng”.
Ông Hiêng Lăng Thắng, Chủ tịch UBND xã Đắk Dục
Trong tâm niệm của già A Brôl Vẻ thì văn hóa truyền thống của dân tộc luôn là gốc rễ cần được giữ gìn và phát huy. Vì vậy, già A Brôl Vẻ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận động các nghệ nhân trong làng cùng tập luyện và tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Qua đó, quảng bá với bạn bè và du khách về nét văn hóa truyền thống của người Gié Triêng ở vùng biên giới này.