Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, Cựu học sinh Trường CBDTMN Ksor Phước dự Lễ Kỷ niệm. Cùng dự có đại diện Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, 210 đại biểu là Cựu cán bộ, học sinh đã từng công tác, học tập, sinh sống tại Trường CBDTMN trong giai đoạn 1959-1977.
Trong diễn văn kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trường CBDTMN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: UBDT đánh giá cao tỉnh Hoà Bình đã tạo mọi điều kiện, dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng khu lưu niệm và tổ chức Lễ kỷ niệm nhiều ý nghĩa này.
Trong giai đoạn 1954-1975, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức đưa hơn 32.000 con em đồng bào miền Nam ra miền Bắc để học tập văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có hàng trăm người là con em đồng bào DTTS ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên... học ở Trường CBDTMN, trực thuộc Ban Dân tộc Trung ương, nay là UBDT. Nhà trường đã đứng chân ở nhiều địa bàn khác nhau, như: Hà Nội, Hoà Bình, Bắc Thái (nay là Thái Nguyên), Lạng Sơn... Ở những địa điểm trên đã xây dựng bia kỷ niệm, ghi dấu sự kiện. Trong các địa điểm trường đã đứng chân, thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình là nơi mang nhiều dấu ấn đậm nét nhất, hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để xây dựng khu lưu niệm của trường.
Có thể nói, thành quả mô hình giáo dục học sinh miền Nam trên đất Bắc nói chung và Trường CBDTMN nói riêng đã đào tạo được nguồn cán bộ đáng kể cho các tỉnh miền Nam, Nam Trung bộ và Tây Nguyên... Nhiều cán bộ người DTTS đã trưởng thành từ đây, trở lại miền Nam, anh dũng chiến đấu, lập nhiều thành tích xuất sắc, một số đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh và Trung ương.
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến khẳng định: Nhìn lại lịch sử 60 năm đã qua, bài học chiến lược về đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam vẫn còn nguyên giá trị. Từ bài học kinh nghiệm này, công tác đào tạo cán bộ người DTTS tiếp tục được nghiên cứu, phát huy. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ đã xây dựng Đề án trình Quốc hội, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, trong đó nhấn mạnh phải mở rộng các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, bán trú, trường Dự bị Đại học... để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đó là một trong những yếu tố nền tảng, để thực hiện thắng lợi nguyên tắc căn bản nhất của công tác dân tộc. Đồng thời cũng là con đường ngắn nhất để thực hiện xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng DTTS và MN so với mặt bằng chung của cả nước.
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các thế hệ thầy cô giáo và học sinh của trường năm ấy ghi lại cho con cháu địa chỉ thân thương này, để trở về thăm, ghi nhớ một thời cha ông mình đã có những năm tháng học tập, rèn luyện ở đây, trong tình thương yêu, đùm bọc của bà con địa phương, cùng sự chăm sóc chu đáo của Đảng và Nhà nước. Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cũng bày tỏ mong muốn cấp ủy, chính quyền và bà con địa phương trân trọng, cùng nhau gìn giữ, giới thiệu để các thế hệ con cháu và du khách muôn phương đến thăm khu lưu niệm của trường, bà con địa phương có quyền tự hào về nơi ươm trồng những “hạt giống đỏ” cho cách mạng - Trường CBDTMN.
Nhân dịp về dự Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường CBDTMN, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đã trao tặng Quỹ khuyến học huyện Lạc Thủy 50 triệu đồng.
Ngay sau Lễ Kỷ niệm 60 năm Trường CBDTMN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, Cựu học sinh Trường CBDTMN Ksor Phước cùng cắt bằng khánh thành Khu di tích lịch sử Trường CBDTMN.