Tạp chí Dân tộc, tiền thân là Tạp chí Dân tộc và Miền núi thành lập ngày 23/6/1999. Ngày 9/9/1999, Tạp chí xuất bản số đầu tiên. Năm 2003, đổi tên thành Tạp chí Dân tộc. Theo Quyết định số 438/QĐ-UBDT, Tạp chí Dân tộc có 10 nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ trọng yếu đối với một cơ quan tạp chí chuyên ngành như: Nghiên cứu lý luận, lập diễn đàn trao đổi; tổng kết thực tiễn; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quản lý, tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc…
Thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cùng các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT giao Tạp chí Dân tộc xây dựng Đề án Tạp chí Dân tộc điện tử và Đề án đổi mới phương thức hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP. Việc xây dựng những Đề án này được kỳ vọng sẽ thay đổi toàn bộ mục tiêu, nội dung, cơ chế hoạt động của Tạp chí Dân tộc trong thời gian tới. Bước khởi đầu trong lộ trình thay đổi này là ngày 12/5/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã ký quyết định số 306/QĐ-UBDT thành lập Hội đồng Biên tập Tạp chí Dân tộc.
Theo đó, Hội đồng Biên tập có 16 thành viên, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh là Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng Biên tập Tạp chí Dân tộc có nhiệm vụ tư vấn, định hướng chương trình và kế hoạch hoạt động của Tạp chí Dân tộc nhằm xác định nội dung triển khai các bài nghiên cứu đạt chất lượng cao trong từng kỳ phát hành của Tạp chí theo quy định của Luật Báo chí, phù hợp với tôn chỉ, mục đích theo Giấy phép xuất bản Tạp chí Dân tộc.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh mong muốn các thành viên trong Hội đồng sẽ giúp lãnh đạo UBDT cùng Ban Biên tập Tạp chí Dân tộc nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là 2 vấn đề hết sức quan trọng đặt ra trong thời gian tới, đó là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIV. Đây là 2 nội dung hết sức quan trọng, cả về mặt lý luận và thực tiễn làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện hệ thống chính sách và đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chủ yếu của Hội đồng là tập trung nghiên cứu về mặt lý luận, hướng dẫn về thực hiện chính sách dân tộc. Thông qua thực hiện để tổng kết, đề xuất được những chủ trương, chính sách mới phù hợp với nguyện vọng của người dân; để góp phần giúp cuộc sống của đồng bào vùng DTTS, miền núi, vùng khó khăn nhanh chóng tiến kịp miền xuôi…”.
Thay mặt Hội đồng Biên tập Tạp chí Dân tộc, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh – Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Dân tộc cho biết: Các thành viên Hội đồng sẽ đoàn kết, phát huy trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu để từng bước tạo ra ngân hàng cơ sở dữ liệu về khoa học với những nội dung mang tính chuyên môn sâu, có tính đặc thù cao về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; đóng góp những bài viết chuyên sâu về lĩnh vực mà UBDT được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; góp phần từng bước nâng cao chất lượng của Tạp chí dân tộc…