Chùa Quán Thế Âm, ngôi chùa cuối cùng Hoà thượng Thích Quảng Đức trụ trìSự nghiệp hoằng dương chánh pháp của Hòa thượng Thích Quảng Đức
Hòa thượng Thích Quảng Đức, pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp, thế danh Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà trong một gia đình có bảy anh chị em, thân phụ là cụ Lâm Hữu Ứng và mẫu thân là cụ bà Nguyễn Thị Nương.
Năm lên bảy, Hòa thượng xuất gia tu học với Hoà thượng Thích Hoằng Thâm, vừa là thầy bổn sư, vừa là cậu ruột. Ngài được Hòa thượng Hoằng Thâm nhận làm con chính thức, lấy tên là Nguyễn Văn Khiết.
Năm mười lăm tuổi, Hòa thượng thọ giới Sa - di, năm hai mươi tuổi thọ Tỳ kheo giới. Thọ giới xong, Hòa thượng vào ngọn núi Ninh Hòa ở Khánh Hòa phát nguyện tịnh tu ba năm, bặt dứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài (về sau ngài đã trở lại ngọn núi này để thành lập một ngôi chùa lấy hiệu là Thiên Lộc).
Sau khóa tu ba năm, ngài rời núi để bắt đầu công cuộc hoằng dương Phật pháp, nhưng hai năm đầu, Hòa thượng đã thực hiện pháp hạnh đầu đà, một mình với chiếc bình bát khất thực đó đây để gieo duyên lành với chúng sanh. Sau hai năm mãn nguyện, ngài trở lại nhập thất tại chùa Sắc Tứ Thiên An tại Ninh Hòa, gần thành phố Nha Trang. Trong thời gian hoằng pháp tại các tỉnh miền Trung, Hòa thượng Quảng Đức đã kiến tạo hoặc trùng tu tất cả là 14 ngôi chùa.
Năm 1934, rời Khánh Hòa vào miền Nam để tiếp tục sứ mạng bảo vệ và phát triển Chánh pháp, Hòa thượng đã đi khắp các tỉnh miền Nam để giáo hóa, Hòa thượng cũng từng đến Campuchia hai năm để học hỏi và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Theravada. Cũng như ở miền Trung, hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, ngài đã khai sơn và trùng tu 17 ngôi chùa.
Như vậy, ngài đã có công xây dựng hoặc trùng tu tất cả 31 ngôi chùa. Ngôi chùa cuối cùng, nơi ngài trụ trì là chùa Quán Thế Âm, số 68 Nguyễn Huệ, quận Phú Nhuận, Gia Định, nay là đường Thích Quảng Đức và chùa còn có tên là chùa Quảng Đức.
Phòng lưu niệm Hoà thượng Thích Quảng Đức tại chùa Quán Thế ÂmTổ đình Quán Thế Âm
Theo sử sách lưu truyền, chùa Quán Thế Âm do một nhóm sĩ quan thuộc binh chủng lính thủy, trong đó có người Việt và người Pháp thành lập năm 1920 nhằm đền ơn cứu mạng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Nhân một lần hành quân trên biển, tàu của họ bị máy bay Đức bắn thủng. Trong lúc thập tử nhất sinh, viên sĩ quan người Việt là thượng sĩ Dương Phong Quang cất tiếng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm và mọi người cùng niệm theo nên thoát nạn.
Sau này, khi vào đất liền, họ cùng nhau mua đất lập ngôi chùa mang tên vị Bồ-tát cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm, như một hành động tri ân, đồng thời lập nên Hội lính thủy, tiếng Pháp gọi là Hội Matalot, nên dân quanh vùng thường gọi chùa là chùa Manh-Lô hay Mạch-Lô, về sau còn gọi thêm là Bạch-Lô (mũ trắng), do Bồ-tát Quán Âm và lính thủy cùng đội mũ trắng.
Trải qua nhiều đời trụ trì, song ngôi chùa dường như không thể cất mình vươn lên. Mãi đến cuối năm 1959, Hoà thượng Thích Quảng Đức dừng chân nơi đây và được ông Lý Văn Lang thỉnh làm trụ trì để trùng hưng lại ngôi già-lam, trang nghiêm thánh địa.
Con đường phía trước Tổ đình Quán Thế Âm được đổi tên thành đường Thích Quảng ĐứcVới đức độ của bậc chân tu, ngôi chùa như bước sang trang sử mới. Thế nhưng, chẳng được bao lâu, Pháp nạn năm 1963 diễn ra, đạo pháp có nguy cơ diệt vong; bậc long tượng không thể làm ngơ trước thời cuộc, không thể ngồi yên, lo việc dựng xây tự viện.
Thế rồi, ngài đã dùng đuốc tuệ soi đêm trường tăm tối, lấy tinh thần bất bạo động mà cảm hóa những kẻ ác tâm. Ngọn lửa hào hùng không chỉ khiến hàng triệu người con Việt Nam yêu quê hương, đạo pháp rơi lệ mà còn gây nên nỗi xúc động, niềm kính trọng của hàng triệu trái tim yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Ngày 20 tháng Tư nhuần năm Quý Mão, nhằm ngày 11/6/1963, trong một cuộc diễu hành của gần 1.000 Tăng Ni để đấu tranh đòi chính sách ''bình đẳng tôn giáo'' và sự tôn trọng lá cờ Phật giáo, Hòa thượng Thích Quảng Đức quyết định thực hành nguyện ước là tự thiêu thân để cúng dường Phật Pháp.
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, ngài đã để lại câu nói: ''Tôi tha thiết kêu gọi chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật giáo''.
Trải qua 62 năm, lời nói của ngài vẫn khắc sâu, toả sáng trong lòng của người con Phật, là tấm gương sáng cho toàn thể tín đồ Phật giáo trên khắp thế giới.