Ngày 19/11, tại thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn, đồng bào Cor địa phương tưng bừng tổ chức Tết Ngã rạ. Ngay từ sáng sớm, đông đảo đồng bào người Cor trong thôn, đã có mặt đông đủ bên ngôi nhà sàn mới của thôn để tổ chức tết Ngã rạ.
Cũng như đồng bào các dân tộc ít người ở miền núi Quảng Ngãi, người Cor ở xã Bình An sống lâu đời trên vùng cao, định cư vùng núi non hiểm trở, không có điều kiện trồng lúa nước, nên kinh tế truyền thống chủ yếu là trồng lúa rẫy. Hạt lúa, hạt nếp trồng trên đất rẫy lắm gian nan, do vậy, mỗi mùa lúa rẫy bội thu, người Cor luôn biết ơn Thần lúa đã cho cái rẫy mình nhiều hạt.
Mâm lễ cúng tết Ngã rạ gồm trầu cau, heo, gà, hoa, quả, sáp ong, bánh lá đót… Riêng bánh phải thật nhiều, để thể hiện sự no ấm. Ngoài các lễ vật trên, còn có rượu cần được làm từ lúa nếp và lá cây của đồng bào nơi đây. Trước ngày tổ chức Tết Ngã rạ, mọi người tập trung gói bánh lá đót, bánh la-tốp, ngâm nếp dồn vào ống nứa, làm bánh lá rông... Các loại bánh được nấu, nướng xuyên đêm để sẵn sàng cho lễ cúng.
Ngoài những vật nuôi có sẵn như heo, gà, vịt, người dân còn đi rẫy săn bắt các loài vật khác, đặc biệt là những loại chuyên phá hoại cây lúa, phá hoại mùa màng để dâng lên thần lúa. Sau lễ cúng, người dân bắt đầu các trò chơi dân gian như: Thi giã gạo, thi gói bánh, đi cà kheo...
Theo già làng Trụ Văn Hải, Tết Ngã rạ hay còn gọi là Giã rạ, tiếng Cor là Xa a-nít, tức ăn tết hay lễ lúa lên chòi, với nhiều nét đặc thù. Nếu lễ ăn cơm mới bắt đầu cho việc thu hoạch, thì lễ Ngã rạ có tính chất như tổng kết một mùa lúa, tạ ơn thần linh và là dịp để mọi người trong làng gặp gỡ, vui chơi sau những ngày tháng lao động vất vả, nặng nhọc.
“Tết Ngã rạ là cái tết được tổ chức với ý nghĩa chính là tạ ơn thần linh và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người Cor. Đây được xem là tết duy nhất của đồng bào nơi đây”, già Hải chia sẻ thêm.
Tết Ngã rạ là nghi lễ truyền thống nông nghiệp, có thể xem như ngày hội mùa, là nét đẹp văn hóa người Cor cần được lưu giữ, bảo tồn và phát triển.