Nét đẹp văn hóa
Ông Đỗ Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước cho biết: Lễ kết bạn của đồng bào dân tộc M’nông đang chịu tác động của quá trình hội nhập và phát triển, dẫn đến nguy cơ mai một. Trước tình hình đó, Sở đã đăng ký, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Bình Phước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018, có dự án “Phục dựng Lễ hội kết bạn cộng đồng của người M’nông”. Lễ hội không chỉ là hoạt động tín ngưỡng dân gian truyền thống mà còn là dịp để cộng đồng các dân tộc sinh sống trên cùng địa bàn thể hiện mối quan hệ gắn bó, tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất. Sau lễ phục dựng, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án hoặc có kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát huy những giá trị của lễ hội độc đáo này.
Lễ Kết bạn giữa người M’nông và người Mạ bắt đầu bằng việc già làng dân tộc Mạ đến gặp già làng dân tộc M’nông để thực hiện nghi thức gặp mặt. Theo đó, già làng M’nông mời già làng Mạ vào nhà. Hai già làng cùng những người đi chung vừa uống rượu cần vừa bàn bạc thống nhất một số vấn đề cần thiết cho Lễ kết bạn như lễ vật, thời gian tổ chức rồi phân công công việc cụ thể cho từng người...
Các phần của nghi lễ chính được thực hiện trong Lễ kết bạn như: Dựng cây nêu, cúng thần linh và nghi lễ hiến sinh (đâm trâu). “Nét mới của Lễ kết bạn là, nghi lễ hiến sinh (đâm trâu) chỉ thực hiện tượng trưng. Trâu vẫn được cột vào cọc tại sân lễ chính, các nghi thức đánh cồng chiêng xung quanh con trâu và múa hát vẫn được thực hiện”, ông Đỗ Minh Trung chia sẻ.
Đến ngày chính lễ, chủ nhà và khách cử ra hai người là già làng hai bên cùng tiến hành các nghi lễ cúng thần linh. Cùng với đó, đội cồng chiêng và múa hát quanh sân lễ ba vòng. Phần lễ cúng thần linh sẽ gồm các lễ vật như: thịt trâu, heo, gà, cơm lam, rượu cần… được bày quanh cây nêu. Sau phần nghi lễ, phần hội được diễn ra với nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao với các trò chơi dân gian như: đi cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy… nhằm tạo không khí vui tươi, đoàn kết. Chiều tối, chủ nhà nấu cơm (bữa cơm truyền thống gồm có rượu cần, cơm lam, thịt nướng...) để mời khách. Trong khi ăn cơm, uống rượu cần, các già làng cùng ôn lại lịch sử mối quan hệ của 2 cộng đồng dân cư để những người dự lễ nghe và hiểu về cội nguồn lễ hội. Tiếp đó, các đôi nam nữ ngồi hát đối đáp những bài hát nói về tình cảm của 2 cộng đồng. Đội cồng chiêng của 2 dân tộc thay nhau trình diễn các tiết mục múa, giao lưu văn nghệ.
Gắn kết cộng đồng
Già làng Điểu Tol, dân tộc M’nông ở thôn 5, xã Đồng Nai chia sẻ: Lễ kết bạn của người M’nông và người Mạ, là bản sắc văn hóa truyền thống có từ lâu đời do ông cha để lại và đang bị mai một dần. Già cũng như bà con trong thôn rất vui khi được các cấp chính quyền tổ chức phục dựng lại Lễ hội này đã nhằm giúp con cháu không quên truyền thống, bản sắc của dân tộc mình. Sau này, con cháu ý thức gìn giữ không để mất bản sắc các lễ hội của dân tộc. Lễ kết bạn của người M’nông và người Mạ là mối liên kết rất quan trọng giữa sóc này với sóc kia, làng này với làng kia, để mọi người gần gũi, gắn bó nhau hơn trong đời sống cũng như lao động sản xuất.
Anh Điểu K Tứ, dân tộc Mạ, ở thôn 2, xã Đồng Nai bày tỏ: Việc phục dựng Lễ kết bạn giúp thế hệ trẻ chúng tôi biết được bản sắc của dân tộc mình, tạo sự đoàn kết các dân tộc trong cuộc sống. Tôi mong muốn các lễ hội như thế này sẽ được tổ chức, phục dựng nhiều hơn, để thế hệ trẻ không quên bản sắc của dân tộc mình.
Qua việc phục dựng Lễ Kết bạn, những giá trị văn hóa của cộng đồng dân M’nông và Châu Mạ sẽ được hồi sinh. Đây còn là động lực, bước đệm cho các DTTS trên địa bàn Bình Phước tiếp tục khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc có tính cộng đồng.
NHƯ Ý