Liên hoan văn hóa cồng chiêng các DTTS tỉnh Bình Định được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, tạo không khí vui tươi, đoàn kết chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bình Định lần thứ IV năm 2024.
Liên hoan là dịp để các nghệ nhân, diễn viên DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Về dự Liên hoan lần này có 7 đoàn, với tổng số 242 nghệ nhân, diễn viên, thuộc 6 huyện có đồng bào DTTS sinh sống là: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân và đoàn tham gia lần đầu là Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, với lực lượng trẻ và đông đảo nhất. Với 45 học sinh đang học tại trường, tham gia trình diễn các tiết mục cồng chiêng và múa xoang phụ họa. Đây là nét mới về lực lượng tham gia Liên hoan lần này và cũng là niềm hy vọng vào lực lượng kế tục sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng nói riêng, văn hóa vùng đồng bào DTTS nói chung trên địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian tới.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Với chủ đề “Âm vang nhịp điệu núi rừng”, Liên hoan văn hóa cồng chiêng các DTTS tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04.6.2020 của Bộ Chính trị và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng khẳng định, qua Liên hoan lần này, chúng ta sẽ được thưởng thức những tiết mục biểu diễn đặc sắc với những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc Chăm, Ba Na, Hrê thông qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các diễn viên, nghệ nhân. Qua đó, giới thiệu vốn văn hóa phong phú, độc đáo của các dân tộc anh em, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp.
Hy vọng rằng, những hoạt động trình diễn phong phú, hấp dẫn, đa dạng mà các nghệ nhân, diễn viên của các dân tộc mang đến Liên hoan là những bông hoa tươi thắm góp phần làm rạng rỡ bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em trên quê hương Bình Định.
“Tôi cũng mong rằng các đơn vị tiếp tục phát huy những tiết mục, nội dung trình diễn tại Liên hoan lần này để đưa về địa phương phục vụ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, tiếp tục nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, đội cồng chiêng tiêu biểu, nòng cốt ở các địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn bày tỏ.
Dưới đây là một số tiết mục đặc sắc tại liên hoan: